Chứng khoán Mỹ “kiệt sức" sau 5 tuần leo dốc

Phố Wall kết thúc ở mức thấp hơn vào 4/11 khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước dữ liệu việc làm trong tuần này có thể làm thay đổi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 4/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 41,06 điểm (-0,11%) xuống 36.204,44 điểm, Nasdaq mất 0,84% xuống 14.185,49 điểm, trong khi S&P 500 trượt 0,54% và kết thúc phiên ở mức 4.569,78 điểm.

S&P 500 giảm điểm, với các cổ phiếu vốn hóa lớn như Microsoft, Apple, Nvidia và Amazon giảm hơn 1%, chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên 4,266%.

Thêm vào sự sụt giảm hôm thứ Hai là những lo ngại mới về việc xung đột lan rộng ở Israel và Gaza sau cuộc tấn công vào ba tàu thương mại ở phía nam Biển Đỏ.

Khác với megacap, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng điểm, bổ sung thêm khoảng 1% cho chỉ số Russell 2000 và nâng mức tăng trong năm nay lên gần 7%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Uber Technologies tăng 2,2% nhờ vào thông báo rằng họ sẽ gia nhập S&P 500 bắt đầu từ ngày 18/12.

Cổ phiếu của các công ty tiền điện tử như Coinbase Global, Riot Platforms và Marathon Digital tăng từ 5% đến 9% sau khi bitcoin vượt mốc 40.000 USD lần đầu tiên trong năm nay.

Cổ phiếu của Tập đoàn Alaska Air suy giảm 14% sau khi hãng hàng không cho biết hôm 3/12 rằng họ sẽ mua lại Hawaiian Holdings với giá 1,9 tỷ USD, bao gồm cả nợ. Cổ phiếu của Hawaiian tăng giá trị gần gấp ba, giúp nâng chỉ số Russell lên cao.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,7 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

S&P 500 đạt mức đóng cửa cao nhất trong năm vào 1/12 sau khi các nhận xét từ Chủ tịch Fed Jerome Powell củng cố kỳ vọng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 19%, Nasdaq phục hồi 24%.

Trọng tâm kinh tế vĩ mô chính của tuần này sẽ là báo cáo việc làm cho tháng 11, có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá lộ trình lãi suất tiếp theo của Fed, cũng như khả năng “hạ cánh mềm” - khi Fed kiểm soát được lạm phát đồng thời ngăn chặn được suy thoái kinh tế.

Giới giao dịch hiện kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang đặt cược 58% Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đưa ra cảnh báo rằng thị trường đang quá vội vã trong việc định giá lãi suất thấp hơn.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đi xuống vào 4/12 vì lo ngại về nhu cầu giảm, kèm theo đó là sự chắc chắn về mức độ và thời gian cắt giảm nguồn cung của OPEC+.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 85 cent, tương đương 1,08%, ở mức 78,03 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ kết thúc giảm 1,03 USD, tương đương 1,39%, ở mức 73,04 USD/thùng.

Sự sụt giảm trong phiên 4/12 làm tăng thêm mức giảm 2% vào tuần trước sau khi việc cắt giảm nguồn cung được Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi chung là OPEC+ công bố hôm 30/11.

Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, cho biết về các nhà giao dịch dầu hôm thứ Hai: “Có lẽ thị trường đã đưa ra quyết định rằng kế hoạch cắt giảm của OPEC+ sẽ không gây ra quá nhiều tác động”.

OPEC+ tuần trước đã công bố việc cắt giảm sản lượng mang tính chất tự nguyện, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các nhà sản xuất có thực hiện chúng một cách đầy đủ đúng như thông báo hay không. Zane Curry, phó chủ tịch thị trường và nghiên cứu của Mobius Risk Group, nhận xét rằng các nhà giao dịch trong 5 tháng qua đã chờ xem liệu việc cắt giảm sản lượng cũng như những thay đổi về nhu cầu có thành hiện thực hay không.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm