Kết thúc phiên 1/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 294,61 điểm (+0,82%) lên 36.245,50 điểm, S&P 500 leo 28,83 điểm (+0,6%) thành 4.594,63 điểm và Nasdaq Composite thêm (+0,6%) được 14.305,03 điểm.
Những diễn biến hôm 1/12 diễn ra ngay sau đợt tăng giá mạnh mẽ vào tháng 11. Mức tăng của tháng 11 đã chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài ba tháng. S&P và Nasdaq tăng lần lượt 8,9% và 10,7%, đạt thành tích hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2022. Chỉ số Dow Jones tăng 8,8%, tháng tốt nhất kể từ tháng 10/2022.
Trong tuần, S&P 500 tăng 0,77%, Dow Jones tăng 2,4% và Nasdaq tăng 0,38%, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp của các chỉ số chính.
Chỉ số Dow Jones đã tăng lên một mức cao mới vào 1/12, nâng mức tăng năm 2023 lên gần 9,4%.
S&P 500 cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Các cổ phiếu đưa chỉ số thị trường rộng lớn lên những đỉnh cao này bao gồm Ulta Beauty và Boston Properties, tăng lần lượt 10,8% và 11,2%.
Hãng phim Paramount bật thêm 9,8% khi có tin tức họ đang cùng Apple thảo luận về kế hoạch kết hợp các dịch vụ phát hành trực tuyến với mức giá chiết khấu.
Trong khi đó, cổ phiếu Walt Disney giảm 0,2% vì công ty từ chối yêu cầu đưa Trian Fund Management của nhà đầu tư Nelson Peltz làm đại diện hội đồng quản trị.
Tesla đã hạn chế bớt một số khoản lỗ để kết thúc ngày với mức giảm khoảng 0,5% sau khi nhà sản xuất xe điện tiết lộ mức giá khởi điểm gần 61.000 USD cho chiếc Cybertruck, cao hơn khoảng 56% so với giá được công bố vào năm 2019.
Marvell Technology Inc mất hơn 5% khi kết quả hàng quý tốt hơn mong đợi đã bị lu mờ bởi hướng dẫn yếu hơn dự kiến.
Vào cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bác bỏ những kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận một cách tự tin rằng chính sách tiền tệ đủ hạn chế.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm khi cổ phiếu tăng điểm trong ngày, ngay cả sau những nhận xét thận trọng của ông Powell. Bởi lẽ, các nhà giao dịch nhìn vào mặt tích cực để tin rằng đây là tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ ít nhất cũng đã hoàn tất việc tăng lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm hơn 13 điểm cơ bản xuống 4,213%.
“Có rất nhiều yếu tố chính ở đây. Đầu tiên là lạm phát. Thứ hai là Fed có vẻ như đang đứng ngoài cuộc, và thứ ba là sự hạ nhiệt trong nền kinh tế đang bắt đầu diễn ra, nhưng với tốc độ rất chậm. Có thể nói, thị trường không quá nóng cũng không quá lạnh và đó chính xác là gì chúng ta đang đón nhận”, bà Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones, cho biết.
Sự phục hồi lớn của thị trường chứng khoán trong tháng 11 một phần là bởi các nhà giao dịch bắt đầu tin rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất và ngân hàng trung ương thậm chí có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm tới. Fed sẽ đưa ra quyết định lãi suất lần tiếp theo vào ngày 13/12.
“Nếu thị trường vẫn tin vào quan điểm cho rằng Fed đã giải quyết được vấn đề lạm phát và họ sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới, đồng thời nền kinh tế sẽ ổn và thu nhập sẽ ổn, thì điều đó đủ tốt để cổ phiếu tăng cao hơn nữa”, Bob Doll, giám đốc đầu tư của Crossmark Global Investments nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2% vào 1/12 khi các nhà đầu tư hoài nghi về mức độ cắt giảm nguồn cung của OPEC+ và lo ngại về hoạt động sản xuất toàn cầu.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2 giảm 1,98 USD, tương đương 2,45%, ở mức 78,88 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI trượt 1,89 USD, tương đương 2,49%, xuống 74,07 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2,1%, trong khi dầu WTI giảm hơn 1,9%.
Các nhà sản xuất OPEC+ hôm 30/11 đã đồng ý cắt giảm khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm tới, với tổng số bao gồm cả việc gia hạn cắt giảm tự nguyện hiện tại của Arab Saudi và 1,3 triệu thùng/ngày của Nga.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết, các nhà giao dịch xem thông báo này với thái độ hoài nghi: “Có vẻ như các nhà giao dịch không tin rằng các thành viên sẽ tuân thủ hoặc coi điều đó là đủ”.
OPEC+, liên minh cung cấp hơn 40% lượng dầu của thế giới, đã liên tục cân nhắc cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu tuột khỏi mức 98 USD/thùng kể từ cuối tháng 9 do lo ngại về tác động của tăng trưởng kinh tế chậm chạp đối với nhu cầu nhiên liệu.