Chứng khoán Mỹ phục hồi, giới đầu tư vẫn lo ngại về lãi suất

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch 23/2 khi các nhà đầu tư tiếp tục thảo luận về lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 108,82 điểm, tương đương 0,33%, lên 33.153,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,27 điểm, tương đương 0,53%, lên 4.012,32 điểm. Nasdaq Composite tăng 83,33 điểm, tương đương 0,72% lên mức 11.590,40 điểm.

7 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng điểm. Giá dầu thô cao hơn đã đẩy lĩnh vực năng lượng tăng 1,3%. Lĩnh vực truyền thông là ngành giảm mạnh nhất, giảm 0,7%, phần lớn là bởi Netflix Inc thấp hơn 3,4% khi có báo cáo rằng dịch vụ phát trực tuyến đang giảm giá cước phí ở 30 quốc gia.

Trong các biến động cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu của Tập đoàn NVIDIA đã tăng 14% sau khi nhà sản xuất chip báo cáo kết quả quý 4 vượt qua ước tính của giới phân tích. Các nhà sản xuất chip khác cũng tăng điểm, với Broadcom Inc, Intel Corp và Qualcomm Inc tăng từ 0,6% đến 1,8%. 

Cổ phiếu Alibaba ít thay đổi sau khi trượt khỏi mức tăng trước đó. Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đã công bố kết quả hàng quý tốt hơn mong đợi, được hưởng lợi từ việc nới lỏng các hạn chế về Covid-19 trong ba tháng cuối năm 2022.

Cổ phiếu của Etsy tăng 2,4% sau khi thị trường bán lẻ hàng thủ công trực tuyến báo cáo doanh thu trong quý 4 cao hơn dự đoán của Phố Wall, nhờ nhu cầu mua sắm trong kỳ nghỉ lễ tăng mạnh.

Ngược lại, eBay Inc ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 13/9, trượt 5,2%, sau cảnh báo về nhu cầu giảm trong nửa đầu năm.

Cổ phiếu của Domino's Pizza cũng lao dốc 12%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2010, vì ghi nhận sự suy giảm trong nhu cầu. 

Moderna Inc đã giảm 6,7%, xuống mức đóng cửa thấp hơn kể từ ngày 3/11, sau khi công ty dược phẩm nhắc lại dự báo doanh thu hàng năm cho vaccine Covid-19 là 5 tỷ USD dù doanh số bán hàng quý 4 vượt ước tính.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ là 10,43 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,59 tỷ cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Một loạt dữ liệu kinh tế đã nhận được sự chú ý của các nhà giao dịch vào đầu ngày 23/2. Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã bất ngờ giảm vào tuần trước, phản ánh điều kiện thị trường lao động chặt chẽ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 2,7% trong quý 4, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 2,9%.

Biên bản cuộc họp tháng 2 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nằm trong trọng tâm thảo luận của giới đầu tư. Biên bản cho thấy các quan chức Fed có ý định tiếp tục duy trì đà tăng lãi suất để dập tắt lạm phát. Phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều ủng hộ việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng này, nhưng một số thành viên khác bày tỏ mong muốn tăng lãi suất thêm 0,50 điểm phần trăm. 

Các nhà phân tích hiện kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh ở mức 5,5% vào tháng 7.

“Trong các cuộc họp sắp tới, khả năng quay trở lại mức 0,5 điểm phần trăm là không cao, theo quan điểm của chúng tôi", nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics Ian Shepherdson cho biết. “Nhưng nếu dữ liệu tháng 2 - đáng chú ý là bảng lương, doanh số bán lẻ và CPI - không "mềm mại" hơn đáng kể so với tháng 1, thì rất có thể sẽ có thêm một vài đợt tăng lãi suất khác ngoài dự đoán của tháng 12,” ông Shepherdson lưu ý thêm. 

Các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng lạm phát vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, ngay cả khi dữ liệu cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm một cách đáng hoan nghênh. 

Brendan Murphy, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định cốt lõi tại Insight Investment, đưa ra nhận định rằng suy thoái kinh tế là không điều cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed. “Mặc dù một cuộc suy thoái gần như chắc chắn sẽ đẩy nhanh lạm phát quay trở lại mục tiêu, nhưng nó không nên được coi là một điều kiện cần thiết. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về lạm phát thực tế trong 6 tháng qua, nhưng điều này phần lớn được thúc đẩy bởi các hiệu ứng cơ sở và quá trình bình thường hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra.”

“Chúng ta hiện đang trong thời kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát vừa phải,” ông Murphy nói thêm. “Câu hỏi lớn ở đây là lạm phát có thể giảm bao xa trong môi trường đó. Có thể là nếu áp lực nguồn cung tiếp tục giảm trong giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng, thì lạm phát cuối cùng sẽ quay trở lại mục tiêu của Fed. Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng này có thể khá lâu, đó là lý do tại sao Fed đang nói về việc giữ lãi suất cao trong một thời gian dài hơn.”

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, với điểm chuẩn kỳ hạn 10 năm đạt 3,95% vào đầu ngày thứ Năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...