Chứng khoán Mỹ tăng trong lúc các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát

Các chỉ số chính của Phố Wall đã phục hồi trở lại sau khi S&P 500 và Nasdaq Composite chịu mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất trong gần hai tháng…
chứng khoán

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa cao tăng 1,11%, kết thúc phiên ở mức 34.245,93. S&P500 tăng 1,14%, đóng cửa ở mức 4.137,29 và Nasdaq Composite tăng 1,48% lên 11.891,79.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên các sàn tương đối thấp với 9,5 tỷ cổ phiếu so với mức trung bình 11,9 tỷ cổ phiếu của 20 phiên trước đó.

S&P 500 đã đăng bốn mức cao mới và không có mức thấp mới; Nasdaq ghi nhận 80 mức cao mới và 59 mức thấp mới.

Microsoft dẫn đầu mức tăng của chỉ số Dow Jones với 3,1%, trong khi đó Nike và Salesforce đều thêm 2,4%. Intel tăng thêm 2,7% và Coca-Cola tăng 1,6% trước báo cáo thu nhập quý 4/2022 được công bố vào thứ Ba. 

“Đó là một khởi đầu đầy hứa hẹn trong tuần trên thị trường tài chính, phần lớn dựa trên sự lạc quan đáng ngạc nhiên trước báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ vào ngày mai”, ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda cho biết.

Phố Wall đang chờ đón một tuần dữ liệu kinh tế sôi động với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào 14/2, báo cáo doanh số bán lẻ của chính phủ vào 15/2 và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào 16/2. 

Nhà kinh tế Ray Farris của Credit Suisse cho biết: “Sự kết hợp giữa phục hồi sản xuất công nghiệp và lạm phát giảm trong quý sẽ giúp thúc đẩy cho thị trường chứng khoán. Mặt khác, nếu dữ liệu mới không đúng như kỳ vọng, rất có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lên cao hơn và gây áp lực giảm giá đối với Phố Wall”. 

“Thị trường đang bắt đầu cảm thấy rằng câu chuyện giảm lạm phát thực chất phức tạp hơn chúng ta nghĩ”, ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, nhận xét với CNBC.

Chặng cuối cùng của mùa báo cáo thu nhập sẽ diễn ra vào tuần này, với Coca-Cola, Marriott, Airbnb và Paramount. 

Vào tuần trước, chứng khoán Mỹ đã kết thúc một tuần tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay. Chỉ số Dow tuần trượt 0,17% trong khi S&P 500 giảm 1,11% và Nasdaq nặng về công nghệ giảm 2,41%, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12. 

Một trong những nguyên nhân gây ra diễn biến nói trên là bởi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến chống lạm phát. Ông cũng lưu ý, lãi suất có thể tăng nhiều hơn dự đoán của thị trường nếu con số lạm phát không giảm. Tuyên bố này đã đảo ngược một số lạc quan trước đó rằng chính sách tiền tệ có thể sớm được nới lỏng trong năm nay. 

"Sự kết hợp giữa dữ liệu kinh tế và bình luận của Fed đã thuyết phục thị trường rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn", ông Nicholas Colas của DataTrek cho biết trong một lưu ý và nhấn mạnh: "Báo cáo CPI tuần này sẽ rất quan trọng trong việc cung cấp thêm thông tin cho thị trường về vấn đề then chốt này”.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa tăng 0,9%. Chỉ số MSCI All-World, bao gồm các cổ phiếu trên toàn cầu, đã tăng 0,88% sau mức giảm 1,3% vào tuần trước.

Giá dầu tăng trở lại sau khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô của Nga và những lo ngại về nhu cầu ngắn hạn trước dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ. Dầu thô của Mỹ tăng 0,5% ở mức 80,14 USD/thùng và dầu Brent kết thúc ở mức 86,61 USD, tăng 0,25% trong ngày.

Có thể bạn quan tâm