Chứng khoán Mỹ phục hồi sau 5 phiên suy yếu, giá dầu tiếp đà tăng

Phố Wall phục hồi mạnh mẽ vào thứ Sáu, khép lại một tuần giao dịch rút ngắn vì kỳ nghỉ lễ đầu năm mới. Giới đầu tư hiện đang tập trung theo dõi các tín hiệu về lộ trình lãi suất của Fed và chính sách thương mại từ chính quyền mới...

Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones tăng 339,86 điểm (+0,80%) lên 42.732,13 điểm, S&P 500 thêm 73,92 điểm (+1,26%) đạt 5.942,47 điểm và Nasdaq Composite leo 340,88 điểm (+1,77%) thành 19.621,68 điểm.

Tất cả 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500 đều đóng cửa trong sắc xanh, với tiêu dùng không thiết yếu là lĩnh vực có mức tăng lớn nhất.

Các cổ phiếu vốn hoá lớn như Tesla và Nvidia đã đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy thị trường, giúp chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ có được thành tích vượt trội. Cổ phiếu Microsoft thêm 1,1% sau khi công ty thông báo sẽ đầu tư 80 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI trong năm tài chính 2025. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chặn thương vụ bán U.S. Steel cho Nippon Steel Nhật Bản trị giá 14,9 tỷ USD, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, khiến cổ phiếu của U.S. Steel trượt giảm 6,5%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 14,09 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,91 tỷ của 20 phiên giao dịch trước đó.

"Sau những phiên suy yếu cuối năm và một thị trường quá bán, cuối cùng chúng ta đã thấy lực mua xuất hiện trở lại”, ông Ryan Detrick, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Carson Group cho biết.

Về mặt kinh tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) gây bất ngờ khi tăng 0,9 lên 49,3 điểm, mốc cao nhất kể từ tháng 3/2024 và tiến gần hơn đến ngưỡng tăng trưởng.

Chuỗi dữ liệu kinh tế khả quan gần đây đã đặt ra câu hỏi về tính cần thiết của các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo từ Fed trong ngắn hạn, do lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin lưu ý rằng triển vọng kinh tế Mỹ năm 2025 là tích cực, mặc dù vẫn còn nhiều điều bất định liên quan tới chính sách thương mại và các quyết định khác có thể được chính quyền Donald Trump sắp tới thực thi.

Các đề xuất của ông Trump, bao gồm cắt giảm thuế doanh nghiệp, nới lỏng quy định và áp đặt thuế quan nhập khẩu, có thể thúc đẩy lợi nhuận cho các công ty và kích thích nền kinh tế, nhưng cũng có khả năng làm gia tăng áp lực lạm phát.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý 4 sẽ bắt đầu trong vài tuần nữa và các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận tổng hợp của S&P 500 sẽ tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ LSEG.

GIÁ DẦU TĂNG 1%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp đà tăng vào thứ Sáu sau khi chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng vào phiên trước.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 69 cent, tương đương 0,9%, lên 76,62 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,11 USD, tương đương 1,5% và đạt 74,24 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent đang hướng tới mức tăng 3,3% còn WTI dự kiến tăng 5%.

Một số dấu hiệu từ Trung Quốc mới đây đã làm dấy lên kỳ vọng về các biện pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, từ đó đẩy mạnh nhu cầu. "Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố nhằm kích thích hoạt động kinh tế và đó là điều mà thị trường đang chú ý đến”, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York đánh giá.

Nhu cầu dầu cũng được dự báo tăng cao khi thời tiết trở nên lạnh giá hơn tại một số khu vực ở châu Âu và Mỹ, theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS.

Ngoài ra, giá còn được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy kho dự trữ dầu thô đã giảm 1,2 triệu thùng xuống còn 415,6 triệu thùng vào tuần trước.

Có thể bạn quan tâm