Cuộc chiến tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam: Ai giàu nhất?

Năm 2024 khép lại, bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều thay đổi. Nhiều cái tên đã “bật” khỏi top 10…

Cuộc chiến tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam: Ai giàu nhất?

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 tại mốc 1.266,78 điểm, tăng 136,85 điểm, tương ứng mức tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Tổng giá trị tài sản của top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm nay đạt 269.362 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với năm ngoái nhưng "hụt hơi" hơn so với thời điểm đỉnh cao năm 2021.

Nếu so với năm 2023, top 6 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2024 không có nhiều biến động về thứ bậc. Dẫn đầu danh sách vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với khối tài sản gần 84,4 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 3,3 tỷ USD).

Theo sau là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, với khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Ở vị trí thứ ba là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air, với hơn 26,4 nghìn tỷ đồng.

Ông Đỗ Anh Tuấn, người đứng đầu Sunshine Group, giữ vị trí thứ 4 với tổng giá trị cổ phiếu gần 23,7 nghìn tỷ đồng, vượt qua ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, với 22,1 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, ở mức 21,8 nghìn tỷ đồng.

Ở vị trí thứ 7, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đã vượt qua ông Bùi Thành Nhơn để ghi tên mình với khối tài sản hơn 15 nghìn tỷ đồng. Thành công này được củng cố nhờ cổ phiếu FPT liên tục lập đỉnh, đưa ông Bình trở thành người có tài sản tăng trưởng ấn tượng nhất năm qua.

Tương tự, cú bật tăng gần 40% của cổ phiếu MWG trong năm 2024 đã giúp ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, vươn lên vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng.

Ngược lại, hai gương mặt từng góp mặt trong top 10 năm 2023 là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt (PDR) và ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland (NVL), đã tụt khỏi nhóm này.

Cả hai đều là lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM, nhưng thị trường địa ốc tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm qua. Cổ phiếu PDR của Phát Đạt giảm gần 18% giá trị, không chỉ khiến ông chủ doanh nghiệp phải đau đầu mà còn khiến nhiều cổ đông thất vọng. Trong khi đó, cổ phiếu NVL của Novaland chứng kiến mức giảm gần 40%, kéo theo giá trị tài sản sụt giảm đáng kể.

Năm 2024 đánh dấu sự góp mặt ấn tượng của hai đại diện gen Z trong Top 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai cái tên này không ai khác chính là con của tỷ phú Hồ Hùng Anh – Hồ Thủy Anh (sinh năm 2001) và Hồ Anh Minh (sinh năm 1995), lần lượt chiếm vị trí 11 và 12 trong bảng xếp hạng.

Hồ Thủy Anh, ái nữ của Chủ tịch Techcombank (TCB), sở hữu gần 334,7 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 4,9% cổ phần, với tổng giá trị tài sản lên tới gần 8.400 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Đặc biệt, cuối năm 2023, Thủy Anh đã mạnh tay chi khoảng 2.100 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ dưới 3% lên gần 4,9%, giúp cô áp sát top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán khi chỉ mới 23 tuổi.

Không kém cạnh, anh trai của cô, Hồ Anh Minh, hiện đứng vị trí thứ 12 với số cổ phần tương đương em gái, cùng khối tài sản trị giá khoảng 8.390 tỷ đồng.

Sự hiện diện của hai gương mặt trẻ này đặc biệt đáng chú ý khi họ vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn như: Đào Hữu Huyền (Chủ tịch Hóa chất Đức Giang, 8.300 tỷ đồng), Hồ Xuân Năng (Chủ tịch Vicostone, 8.075 tỷ đồng), Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch Phát Đạt, 6.900 tỷ đồng), Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Novaland, 6.330 tỷ đồng), hay Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, 6.290 tỷ đồng); hay những cái tên nổi tiếng khác như Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vĩ, Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Viglacera Nguyễn Văn Tuấn...

Khối tài sản tăng trưởng mạnh của Hồ Thủy Anh và Hồ Anh Minh phần lớn nhờ việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ bà nội Nguyễn Thị Thanh Tâm vào cuối năm 2023 – người từng nắm giữ gần 5% cổ phần Techcombank.

Không chỉ vậy, vị trí của hai người con tỷ phú còn được củng cố nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu Techcombank trong năm 2024, trong khi nhiều cổ phiếu bất động sản đình đám như Novaland (NVL) hay Phát Đạt (PDR)… lại trượt dốc.

Năm 2024 chứng kiến ngành ngân hàng giữ vững phong độ với kết quả kinh doanh khả quan và tăng trưởng tín dụng gần chạm mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lập kỷ lục lịch sử, trong đó TCB nổi bật với mức tăng ấn tượng.

Khởi đầu năm ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, TCB khép lại năm với giá 24.650 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh 54%. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả kinh doanh vượt trội của Techcombank, không chỉ trong năm 2024 mà còn trong nhiều năm qua.

Hiện tại, TCB nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, sánh vai cùng các “ông lớn” Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB Bank. Thậm chí, có thời điểm Techcombank vươn lên vị trí thứ hai toàn hệ thống về lợi nhuận, chỉ xếp sau Vietcombank.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Hùng Anh, Techcombank đã ghi dấu nhiều cột mốc lịch sử. Sau hơn một thập kỷ phát triển, ngân hàng này trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đạt 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào năm 2018. Đến năm 2022, Techcombank tiếp tục phá kỷ lục với lợi nhuận hơn 25.600 tỷ đồng, vượt mốc 1 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch năm và tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân. Thành công này đến từ chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu hóa chi phí và tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính đột phá.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Chủ tịch Hồ Hùng Anh từng khẳng định: "Giá trị của TCB có thể tăng gấp 5-10 lần trong tương lai." Với đà tăng trưởng hiện tại, viễn cảnh đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của Techcombank.

Xem thêm

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Sở hữu siêu du thuyền không chỉ là một thú chơi xa xỉ mà còn là biểu tượng của quyền lực và đẳng cấp trong giới siêu giàu công nghệ. Từ Jeff Bezos, Mark Zuckerberg cho đến Larry Ellison, họ đều không ngại ngần đầu tư hàng trăm triệu USD cho những “cung điện” trên biển của mình…

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Những quốc gia giàu có nhất thế giới không chỉ được định hình bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay quy mô dân số nhỏ, mà còn bởi các chính sách tài chính thông minh và khả năng duy trì sự thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động…

Có thể bạn quan tâm

Nhiều thương vụ IPO hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025

Nhiều thương vụ IPO hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025

Bước sang năm 2025, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ sôi động trở lại, mang đến một “làn gió mới” trong bối cảnh thị trường chứng khoán sau nhiều năm thiếu "hàng chất lượng" lên sàn...

Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng của BCM

Becamex IDC bị xử phạt do công bố thông tin sai

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) bị phạt tiền 150 triệu đồng do công bố thông tin sai về tình hình sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu...

Chứng khoán Mỹ đột ngột đảo chiều, giá dầu tăng

Chứng khoán Mỹ đột ngột đảo chiều, giá dầu tăng

Phố Wall bất ngờ đảo chiều giảm điểm vào thứ Sáu, với cả ba chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn - yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong những phiên trước - cũng chịu ảnh hưởng…

Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2025

Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2025

Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2025 đầy tiềm năng nhờ bất động sản hồi phục, đầu tư công tăng tốc, và các dự án dầu khí trọng điểm. BVSC khuyến nghị tập trung vào nhóm hạ tầng, khu công nghiệp, dầu khí, bất động sản và ngân hàng với định giá hấp dẫn, tạo cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả...

Chỉ số Dow Jones “ăn mừng” 5 phiên tăng liên tiếp

Chỉ số Dow Jones “ăn mừng” 5 phiên tăng liên tiếp

Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Năm, kéo dài chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, dù cho khối lượng giao dịch thấp và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao gây áp lực lên một số cổ phiếu công nghệ lớn…

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Nhóm cổ phiếu đầu tư công đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/12, trong đó nhiều mã trần như SMC, FCM, HVX, HHV, TV2, FCN, NO1, KSV, PLC, MTA, HBC, KCB...