Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm vì lo ngại lạm phát

Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi các nhà đầu tư xem xét biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm vì lo ngại lạm phát

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 201,95 điểm (-0,51%) đóng cửa ở mức 39.671,04 điểm, S&P 500 mất 14,40 điểm (-0,27%) xuống 5.307,01 điểm và Nasdaq Composite trượt 31,08 điểm (-0,18%) còn 16.801,54 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, chỉ số năng lượng là ngành có hoạt động kém nhất, mất 1,83% do giá dầu trượt giảm ở phiên thứ ba liên tiếp.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Analog Devices tăng 10,86% sau khi dự báo doanh thu quý 3 trên mức kỳ vọng.

Công ty mẹ TJX của TJ Maxx tăng 3,5% nhờ tuyên bố nâng dự báo lợi nhuận hàng năm.

Trong khi đó, nhà bán lẻ Target lại mất 8,03% do thu nhập hàng quý và dự báo quý hiện tại không đạt ước tính.

Mặc dù giảm nhẹ trong phiên, nhưng Nvidia đã phục hồi ngay sau tiếng chuông đóng cửa, tăng vọt 6% nhờ dự báo doanh thu mạnh mẽ hơn cả ước tính của thị trường. Tin tức này cũng trở thành động lực thúc đẩy cho cổ phiếu của các nhà sản xuất chip khác.

Trước đó, các nhà đầu tư đã tập trung vào việc liệu kết quả hàng quý của Nvidia có đáp ứng những kỳ vọng cao “ngất trời” của thị trường và liệu đà tăng trưởng của các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo có thể được duy trì hay không.

Cổ phiếu của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Nvidia đã tăng khoảng 90% trong năm nay sau khi tăng vọt gần 240% vào năm 2023.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,86 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,01 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Trên thực tế, Phố Wall đã cố gắng tìm hướng đi trong phần lớn thời gian của phiên 22/5 nhưng suy yếu sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ vẫn tin rằng áp lực giá sẽ giảm bớt, nhưng chậm, dù cho có phần thất vọng về dữ liệu lạm phát mới.

Các thị trường đang đặt cược khoảng 59% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.

Sự phục hồi của cổ phiếu để đạt mức cao kỷ lục trong tháng này một phần được thúc đẩy bởi sự lạc quan về AI, mùa thu nhập vững chắc và khơi lại hy vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò nhận thấy S&P 500 có thể kết thúc năm ở mức 5.302 điểm, nhưng cảnh báo rằng đà tăng mạnh của chỉ số này cũng có nguy cơ dẫn đến một đợt điều chỉnh lớn trong những tháng tới.

GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM 3 PHIÊN LIÊN TIẾP

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm ở phiên thứ ba liên tiếp vào 22/5 khi các quan chức Fed cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị hoãn lại do lạm phát kéo dài. Tin tức này đã nhen nhóm lại những lo lắng đối với nhu cầu về dầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 98 cent, tương đương 1,18%, ở mức 81,90 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,09 USD, tương đương 1,39%, xuống còn 77,57 USD/thùng.

Cả hai điểm chuẩn đều đã giảm khoảng 1% vào một ngày trước đó.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cho thấy khả năng lạm phát có thể mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt so với suy nghĩ trước đây. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí đi vay, giải phóng nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Cũng trong ngày, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy tồn kho dầu của Mỹ đã tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán về mức giảm 2,4 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của Reuters.

Điều này đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu suy yếu tại Mỹ trước thềm kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm, vốn thường đánh dấu cho sự khởi đầu của một mùa lái xe sôi động.

Có thể bạn quan tâm