Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones tăng 201,36 điểm (+0,47%) lên 43.065,22 điểm, S&P 500 thêm 44,82 điểm (+0,77%) đạt 5.859,85 điểm và Nasdaq Composite leo 159,75 điểm (+0,87%) thành 18.502,69 điểm.
Công nghệ thông tin (+1,4%) là lĩnh vực tăng điểm mạnh nhất trong số các nhóm ngành thuộc S&P. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, bao gồm Alphabet, Apple, Microsoft và Tesla đều đồng loạt thêm từ 0,6% đến 1,6%.
Ngành bán dẫn cũng ghi nhận thành tích ấn tượng, tăng 1,8% và đạt mức cao nhất trong hơn 2 tháng, nhờ đóng góp của Arm Holdings (+6,8%) và Nvidia (+2,4%).
Trong khi đó, mặc dù Dow Jones đã vượt mốc 43K quan trọng, nhưng đà tăng đã phần nào bị kìm hãm bởi Catterpillar và Boeing, lần lượt trượt giảm 2% và 1,3%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,55 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,05 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong tuần này, 41 công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, cung cấp thêm dữ liệu để các nhà đầu tư có thể đánh giá tình hình kinh tế Mỹ và khả năng duy trì giá trị thị trường.
Lợi nhuận từ nhóm ngân hàng lớn đã thổi bùng lên hy vọng rằng các báo cáo doanh thu tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, với mức định giá cao – S&P 500 hiện giao dịch gấp 21,8 lần thu nhập kỳ vọng, cao hơn so với mức trung bình dài hạn là gấp 15,7 lần – các công ty có thể gặp khó khăn trong việc làm hài lòng giới đầu tư.
Theo dữ liệu của LSEG, lợi nhuận quý 3 của S&P 500 dự kiến tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Kevin McCullough, chuyên gia tư vấn tại Natixis Investment Managers Solutions nhận xét rằng kỳ vọng thấp hơn sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 – một yếu tố quan trọng để đánh giá sức mua của người tiêu dùng Mỹ – cũng sẽ nằm trong tâm điểm chú ý.
Ông McCullough lưu ý, các số liệu liên quan đến người tiêu dùng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cơ quan này chuyển sang tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Vào cùng ngày, Thống đốc Fed Christopher Waller kêu gọi thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, đồng thời, chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cũng cho biết sẽ có một số đợt cắt giảm lãi suất nhỏ vì lạm phát đang tiệm cận mục tiêu 2%.
GIÁ DẦU TRƯỢT DỐC
Trên thị trường năng lượng, giá dầu trượt giảm 2% vào thứ Hai sau khi OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025. Đây là lần thứ ba liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,58 USD (-2%) xuống 77,46 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 1,73 USD (-2,29%) xuống 73,83 USD/thùng.
Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – là nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh lần này của OPEC. Cụ thể, tổ chức ước tính tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc sẽ giảm từ 650.000 thùng/ngày xuống còn 580.000 thùng/ngày.
Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô của quốc gia tỷ dân cũng giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước xuống 10,99 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu suy yếu ở Trung Quốc, do sự phát triển của xe điện và nhiều thách thức kinh tế sau đại dịch, đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ và giá dầu toàn cầu.
Các kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn được đánh giá là chưa đủ để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư, trong khi thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ Israel tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.