Chuyển cơ quan điều tra vụ bán hàng giả nhãn hiệu Under Armour trên mạng xã hội

Lực lượng chức năng vừa phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm quần kaki có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour, một thương hiệu thời trang đang được bảo hộ tại Việt Nam...

Những sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Under Armour được lực lượng chức năng phát hiện tại một căn nhà không số, không biển hiệu trên địa bàn phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân.

Cục Quản lý thị trường ở TP.HCM thông tin, thông qua những thông tin quảng cáo hấp dẫn về sản phẩm trên các tài khoản facebook như Xưởng may Thư Duyên, Xưởng May Thư Duyên 5 cùng với dòng cam kết 100% hài lòng, cam kết chất lượng, giá cả hợp lý nhất, với đội ngũ chuyên nghiệp, đi kèm với đó là những hình ảnh uy tín về xưởng may và ngập tràn hàng hóa mang nhãn hiệu Under Armour với giá siêu rẻ, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thẩm tra, xác minh.

Tiến hành kiểm tra, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cùng lực lượng Quản lý thị trường thành phố xác định phần lớn các sản phẩm tại cơ sở này được kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử. Trung bình mỗi ngày cơ sở kinh doanh chốt từ 250 - 300 đơn, sau đó đóng gói và vận chuyển đến tay khách hàng qua hình thức ship code.

Chuyển cơ quan điều tra một hộ kinh doanh bán hàng giả nhãn hiệu Under Armour trên mạng xã hội

Tại kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm quần kaki có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour và hình đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh xuất trình cho lực lượng chức năng giấy đăng ký kinh doanh ở một địa chỉ khác và các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng đều không có.

Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, số lượng hàng hóa thu giữ lớn, nên lực lượng Quản lý thị trường đang hoàn thiện thủ tục để chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

Cũng trên địa bàn TP.HCM, hồi tháng 3/2023 các Đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 15 vụ, trong đó có 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu, 4 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá.

Cụ thể, tại khu vực một số quận trung tâm thành phố, Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra một Hộ kinh doanh trên đường Trương Định, phường 9, quận 3, phát hiện tại đây đang kinh doanh nhiều sản phẩm mắt kính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Porsche Design, Dior, Bvlgari, Burberry.

Tại quận Phú Nhuận, Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra Hộ kinh doanh Watch Me.VN phát hiện tại đây đang kinh doanh nhiều sản phẩm đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Daniel Wellington.

Ngoài sản phẩm thời trang, Đội Quản lý thị trường số 4 còn phát hiện rất  nhiều máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ tại Hộ kinh doanh TOC-V-N, tại quận 1.

Hiện nay pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính hành, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.

Trong khi đó, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể, trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) - tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Có thể bạn quan tâm