Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp: Đánh đổi rủi ro

Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành đã hơn một năm qua, hệ quả chuyển biến khung pháp lý gốc điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh doanh và thương mại. Nhiều chủ thể phải thay đổi và thích nghi
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp: Đánh đổi rủi ro

Nhu cầu chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân

Thời gian qua, một số ngân hàng phát sinh nhu cầu phối hợp với khách hàng chuyển đổi số lượng không nhỏ khách hàng doanh nghiệp tư nhân thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Nhu cầu nêu trên xuất phát từ Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chỉ còn 2 loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì chính các thành viên của tổ chức đó mới là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, do doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân theo luật định, nên bị vướng mắc trong khâu xác định chủ thể giao dịch.

Liên quan đến lĩnh vực giao dịch nghiệp vụ ngân hàng, hướng dẫn tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ghi nhận bước chuyển biến như trên. Hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không được là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và giao dịch vay vốn.

Chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là cá nhân hoặc pháp nhân. Nếu căn cứ vào các văn bản dưới luật này từ phía Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân không thể là chủ thể trong các quan hệ giao dịch tài khoản và vay vốn.

Có quan điểm cho rằng, nếu các ngân hàng vẫn ghi nhận chủ thể tham gia giao dịch là doanh nghiệp tư nhân, sẽ trái với những hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu quy hết các giao dịch này về tư cách cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân, cũng sẽ phát sinh những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân.

Tài khoản nếu phải đứng tên cá nhân chủ doanh nghiệp, nhiều khoản chi phí hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân sẽ khó chứng minh. Sự lập lờ có thể tồn tại giữa dòng tiền cá nhân với dòng tiền doanh nghiệp trong tài khoản mang tên cá nhân, sẽ khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong hạch toán các khoản chi được trừ và không được trừ theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nếu kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng bất ổn. Điều này kéo theo sự lo lắng của ngân hàng, bởi doanh nghiệp tư nhân là một trong những nguồn khách hàng hiện hữu với số lượng không hề nhỏ của các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và hướng đến giải pháp tháo gỡ vướng mắc bằng việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Các công ty này sẽ do cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân trước đây làm chủ sở hữu – một chủ thể pháp lý có tư cách pháp nhân rõ ràng.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là đánh đổi rủi ro

Rủi ro pháp lý có thể kể đến hàng đầu trong quá trình chuyển đổi, đến từ bản chất pháp lý của hai loại hình doanh nghiệp. Nếu như chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, thì chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số tài sản thực góp hoặc cam kết góp vào doanh nghiệp.

Kế đến là việc phải giải một bài toán pháp lý liên quan đến hàng loạt vấn đề như: Điều kiện chuyển đổi, thủ tục chuyển đổi, việc chuyển giao các quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân sang công ty được chuyển đổi. Chưa kể, việc giải quyết vấn đề tài sản chung riêng của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện việc chuyển đổi cũng tạo nên rủi ro pháp lý.

Riêng trong quan hệ tín dụng, ngân hàng sẽ phải quan tâm đến việc chuyển giao dư nợ, chuyển giao tài sản cũ mới, các biểu mẫu nghiệp vụ liên quan. Nếu sai lầm phát sinh trong một khâu dù là nhỏ nhất, cũng sẽ là khó khăn trong việc truy vấn trách nhiệm trả nợ tiền vay của khách hàng.

Ví dụ, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân có tiền gửi tiết kiệm, trường hợp thông thường ngân hàng có quyền truy đòi vô điều kiện đối với số tiền gửi tiết kiệm này. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi mô hình sang công ty trách nhiệm hữu hạn, tiền gửi tiết kiệm đó sẽ được coi là tài sản của bên thứ ba độc lập. Quyền xử lý tiền gửi tiết kiệm phải được xác lập căn cứ trên hợp đồng bảo đảm tiền vay chứ không mặc nhiên xử lý như đối với doanh nghiệp tư nhân.

Có thể thấy, tư cách doanh nghiệp tư nhân còn hay hết là một vấn đề pháp lý còn nhiều tranh cãi, bởi dù sao đây là chủ thể của Luật Doanh nghiệp đang có hiệu lực. Tuy nhiên, một khi tìm cách chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, ngân hàng sẽ phải đương đầu và giải quyết hàng loạt rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

Luật sư Lại Ngọc Thanh, Công ty Luật BASICO/Đăng trên Đầu tư chứng khoán

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Nam A Bank chung tay cùng TP.HCM phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 27/9, Nam A Bank tiếp tục chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp các giải pháp, sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng...

Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng đại diện MB nhận giải thưởng Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất

MB nhận ‘cú đúp’ giải thưởng tại IR Awards 2024

Nhờ triển khai hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin minh bạch, Ngân hàng TMCP Quân đội được vinh danh ở hạng hai mục giải thưởng danh giá tại IR Awards 2024...