Chuyện gì đang xảy ra với POW, BSR, OIL?

Đã từng là những cái tên rất “hot” trên thị trường chứng khoán nhưng đến nay BSR đang tìm đáy mới còn POW và OIL cũng “đồng thuận” lao dốc dù nhiều thông tin hỗ trợ khiến nhà đầu tư bất ngờ.
Chuyện gì đang xảy ra với POW, BSR, OIL?

Đầu năm 2018, thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực với hàng loạt thương vụ bán vốn Nhà nước. Thành công nhất phải kể đến 3 cuộc thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã: POW) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil,mã: OIL).

Sau khi IPO thành công, các doanh nghiệp bắt đầu đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 3/2018 và nhận được sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư. Hiện, POW đã chuyển sàn sang HoSE nhưng mẫu số chung của cả 3 mã này là thị giá liên tiếp dò đáy.

Cổ phiếu lao dốc

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, cổ phiếu BSR giao dịch tại mức giá 9.900 đồng/cp, giảm 26,7% so với đầu năm 2019 – đây là mức giá thấp nhất kể từ khi lên sàn của BSR. So với mức giá 31.300 đồng/cp hồi mới lên sàn thì BSR đã mất gần 70% giá trị.

Còn nhớ trong đợt IPO của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã ghi nhận số lượng người tham gia kỷ lục lên tới 4.0179 nhà đầu tư với lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cp, cao hơn 37% giá khởi điểm; 61,2% số cổ phần chào bán đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua.

Theo đó, những nhà đầu tư trúng đấu giá trong đợt IPO này nếu đến nay vẫn còn nắm giữ thì đã lỗ gần 60%. Dù vậy, hiện giá trị vốn hóa thị trường của Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn ở mức gần 30.696 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp có quy mô khủng trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau BSR ít ngày, POW cũng chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp và tăng mạnh lên 17.800 đồng/cp ngày trong phiên, đây cũng là mức đỉnh của cổ phiếu.

Đầu năm 2019, POW đã chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE mang theo nhiều kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng đến nay chỉ còn 13.450 đồng/cp, giảm gần 14% so với mức giá 15.600 đồng/cp của phiên đầu tiên chào sàn và giảm 25% so với đỉnh.

Trước đó, phiên đấu giá của POW cũng thu hút 1.982 nhà đầu tư tham gia. Giá bình quân trúng thầu là 14.938 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 4%. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 61% tổng lượng bán.

Vốn hóa thị trường theo đó đạt gần 31.500 tỷ đồng. Ngoài PVN nắm giữ 80% vốn thì nhóm quỹ Dragon Capital cũng nắm giữ khoảng 138 triệu cổ phiếu (tính đến 20/6), tỷ lệ 5,9%.

Tương tự, cổ phiếu OIL cũng đang giao dịch ở mức 11.700 đồng/cp, giảm 42% so với giá đấu thành công đợt IPO đầu năm 2018 (20.196 đồng/cp).  Nếu so với mức giá 24.200 đồng/cp hồi mới chào sàn, OIL đã đánh mất gần 52% thị giá và giảm 22,5% so với đầu năm 2019.

Hiện, PV Oil đang có vốn hóa thị trường là 12.100 tỷ đồng, đứng thứ 2 về thị phần xăng dầu tại Việt Nam với tỷ trọng 20-22%.

Có ý kiến cho rằng, đà giảm của bộ 3 cổ phiếu PVN này có thể đến từ việc diễn biến chung của thị trường chứng khoán Việt không mấy thuận lợi do chịu tác động của thị trường chứng khoán thế giới từ cuối năm 2018 kéo dài đến nửa đầu năm 2019.

Nguyên nhân là gì?

Thị trường chung là vậy nhưng những cổ phiếu họ P khác dường như lại đang đi ngược xu thế của bộ ba này.Có thể kể đến PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) lại ghi nhận mức tăng 24,7% so với mức giá 12.910 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm; PVS của PTSC cũng tăng gần 21% so với đầu năm và đang giao dịch tại mức giá 20.800 đồng/cp...

Đặc biệt, việc POW, BSR, OIL giảm giá diễn ra trong bối cảnh triển vọng tích cực của ngành dầu khí trong năm 2019 và tương lai gần liên tiếp được các chuyên gia phân tích, công ty chứng khoán đưa a.

Do đó, nhìn lại kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp trên có thể thấy ngoài diễn biến chung của thị trường, thị giá cổ phiếu của nhóm này còn bị ảnh hưởng bởi chính những vấn đề đang tồn tại trong doanh nghiệp.

Cụ thể, quý IV/2018 Lọc hóa dầu Bình Sơn bất ngờ báo lỗ ròng hơn 1.000 tỷ đồng khiến doanh nghiệp chỉ còn lãi ròng 3.630 tỷ đồng, đủ để hoàn thành kế hoạch năm. Trước đó, công ty có lãi kỷ lục 7.673 tỷ đồng năm 2017, tăng 73%.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất, kết thúc quý II/2019, tổng doang thu bán hàng của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 27.845 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm hơn 86% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu thuần 50.915 tỷ đồng,sau khi khấu trừ các chi phí, lãi sau thuế công ty đạt 900 tỷ đồng, giảm mạnh so với nửa đầu năm 2018.

Đáng chú ý, đầu năm 2019 TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn  về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” do nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank.

Về PV Power, nếu trong năm 2017 công ty báo lãi kỷ lục 2.600 tỷ đồng thì đến năm 2018 cũng quay đầu giảm lãi trong năm 2018 chỉ còn 575 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm doanh thu PV Power đạt 18.317 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa đến 112% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Cũng giống 2 đơn vị trên, hoạt động kinh doanh của PV Oil cũng bất ngờ suy giảm sau IPO, doanh nghiệp chỉ còn lãi hơn 17 tỷ đồng năm 2018, giảm đến 95% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 170 tỷ đồng, mới chỉ thực hiện được 32% kế hoạch năm.

Hơn nữa, câu chuyện thoái vốn của PVN và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của 3 doanh nghiệp này vẫn còn bỏ ngỏ cũng là một yếu tố khiến sức hấp dẫn của 3 mã cổ phiếu này ngày càng giảm trong mắt các nhà đầu tư.

 >> Trình Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí trong tháng 7

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...