Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn “thần tốc” trước khi phát hành trái phiếu và nhiều lô trái phiếu có giá trị rất “khủng”, gấp nhiều lần nguồn vốn của doanh nghiệp.
Có thể kể đến như Công ty TNHH Đầu tư Nhà ở xã hội Thuận Thành (Công ty Thuận Thành) và Công ty Cổ phần Phú Thọ Land (Phú Thọ Land) đã được báo chí thông tin.
Cụ thể, ngày 21/8/2023, Công ty Thuận Thành đã huy động thành công lô trái phiếu có giá trị 800 tỷ đồng, đáng nói giá trị này cao gấp 4 lần vốn điều lệ của Công ty Thuận Thành hiện vào thời điểm hiện tại.
Theo đó, lô trái phiếu này có mã TTHCH2328001 gồm 8.000 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trái phiếu 59 tháng, sẽ ngày đáo hạn ngày 21/7/2028.
Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Lãi suất lô trái phiếu TTHCH2328001 kỳ đầu tiên, tối thiểu 14%/năm. Lãi suất trái phiếu cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chỉnh 03 (ba) tháng một lần và được xác định theo nguyên tắc như sau “Lãi suất cơ sở tại thời điểm điều chỉnh + biên độ tối thiểu 3,5%/năm”.
Đáng nói, trước khi phát hành lô trái phiếu này chưa đầy 1 tháng (28/7) Công ty Thuận Thành đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 202 tỷ đồng như hiện tại.
Hay mới đây, Phú Thọ Land đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc huy động thành công lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng vào ngày 25/8/2023. Kỳ hạn 12 tháng và sẽ đáo hạn ngày 25/8/2024. Lãi suất phát hành cố định 10.5%/năm.
Đáng chú ý, vào ngày 8/8/2023 (trong cùng tháng phát hành), Phú Thọ Land đã tiến hành thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này đã thay đổi vốn điều lệ tăng lên 87,5 lần từ mức 20 tỷ đồng lên 1.750 tỷ đồng. Đồng thời, Phú Thọ Land đã thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Hoàng Ngọc Minh sang ông Nguyễn Danh Toàn (sinh năm: 1970). Thông tin về địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và tổng số lao động không thay đổi là 5 người.
Đây chỉ là 2 trường hợp trong rất nhiều các công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ “thần tốc” và sau đó phát hành lượng trái phiếu khủng trong thời gian gần đây. Không chỉ thế, có những doanh nghiệp phát hành và đưa ra mức lãi suất cao “không tưởng” 14% - 20%.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty SDLT chia sẻ, để hiểu lý do tại sao các doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu “khủng” lại tăng vốn điều lệ, ta cần hiểu một số vấn đề. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu về vốn điều lệ. Theo đó, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Và việc tăng, giảm vốn điều lệ phải được cơ quan chức năng cho phép theo quy định.
Như vậy, ta có thể thấy vốn điều lệ thể hiện quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường. Đối tác khách hàng sẽ có thể tin tưởng, giao dịch với công ty đối tác có vốn điều lệ lớn.
Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh, huy động vốn nhưng vốn điều lệ nhỏ khó có thể có được lòng tin nhà đầu tư để huy động số lượng tiền lớn. Đó là lý do chính cho việc tăng vốn điều lệ nhanh chóng của doanh nghiệp trước khi phát hành lượng trái phiếu khủng.
Vấn đề thứ hai, trái phiếu của các doanh nghiệp được tăng vốn “thần tốc” được phát hành theo hình thức nào? Ở đây có hai hình thức phát hành là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ và đều có những điều kiện để có thể phát hành được quy định cụ thể theo pháp luật.
Trong đó, có điều kiện cho việc phát hành riêng lẻ là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán… và phát hành riêng lẻ được căn cứ theo điều 10, Nghị định 163/2018/NĐ-CP… Như vậy nhiều doanh nghiệp phải tăng vốn để đủ điều kiện phát hành theo quy định.
Vấn đề thứ ba, trước kia khi chưa có Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm thay đổi giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, một trong những thay đổi lớn là việc ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu đến hết 31/12/2023. Và các doanh phát hành trong thời gian này để có thể hưởng lợi từ những thay đổi này.
Tuy nhiên, trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiến hành tăng vốn nhanh trước khi phát hành, ông Dũng cũng có những lưu ý: Theo ông Dũng, phải khẳng định rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư nên việc các nhà đầu tư xuống tiền là quyền tự do, chỉ cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng là đúng pháp luật.
Giai đoạn này, các doanh nghiệp đang tận dụng vào những chính sách vĩ mô để phát hành, huy động vốn nên trước khi đầu tư nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về quy mô doanh nghiệp phát hành, năng lực tài chính và mục đích phát hành của các lô trái phiếu muốn đầu tư vào.
Đồng thời, xem xét thật kỹ quá trình sử dụng vốn, chi trả đối với các lô trái phiếu trước đó đã huy động trước đó (nếu có). Hoặc nghiên cứu kỹ về chiến lược ban lãnh đạo, kết quả hoạt động kinh doanh trong các năm trước đó để làm căn cứ cho lựa chọn của mình.
Để đảm bảo cho hiệu quả đầu tư qua kênh trái phiếu, các nhà đầu tư nên lưu ý thêm các yếu tố sau.
Thứ nhất là chiến lược huy động vốn và sử dụng vốn của công ty phát hành có thật sự hiệu quả hay không. Điều này các nhà đầu tư nên căn cứ vào các yếu tố cấu thành như đối tượng, dự án đầu tư, các tỷ suất đo lường hiệu quả sử dụng vốn, thời điểm kinh doanh.
Thứ hai, việc các công ty tăng vốn điều lệ khủng để nắm bắt cơ hội huy động trái phiếu và đầu tư thì nhà đầu tư trái phiếu cũng nên xem xét và thẩm định kỹ về mức độ rủi ro, khủng hoảng, đổ gãy của chuỗi kinh doanh của tổ chức, công ty phát hành.
Thứ ba, năng lực quản trị là yếu tố cần lưu ý. Thường thì các công ty có thể quản trị được mọi diễn biến trong phạm vi trước đó, nhưng khi quy mô vốn tăng đột biến cũng là thách thức cho đơn vị phát hành, vì vốn đầu tư càng lớn việc quản trị càng phức tạp. Nên các nhà đầu tư càng thận trọng khi phân tích các chu kỳ kinh doanh của tổ chức phát hành trái phiếu.