Chuyên gia Nguyễn Thế Minh: Thị trường sẽ có nhịp sóng tăng ngắn hạn và quay đầu giảm vào tháng 12

Thị trường có thể đón nhịp sóng tăng trong ngắn hạn vào tháng 11. Nhà đầu tư có thể cân nhắc xem xét mua vào trong thời điểm này. Tuy nhiên, khó khăn sẽ quay trở lại trong tháng 12 hay nói cách khác rủi ro trung hạn vẫn kéo dài...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh: Thị trường sẽ có nhịp sóng tăng ngắn hạn và quay đầu giảm vào tháng 12
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh: Thị trường sẽ có nhịp sóng tăng ngắn hạn và quay đầu giảm vào tháng 12

Thị trường chứng khoán đã trải qua tháng giao dịch bất ổn nhất trong vòng một năm trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.028,19 điểm, giảm 10,91% so với tháng 9 và tăng 2,10% so với cuối năm 2022. Mức giảm này đã lấy đi mọi nỗ lực của thị trường từ đầu năm đến nay, đưa VN-Index về mức thấp nhất trong 13 tháng gần đây tính từ tháng 10/2022.

Thời gian qua, lãi suất huy động chạm đáy và vĩ mô ngày càng tích cực hơn, thị trường kỳ vọng yếu tố trên sẽ kích thích dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán. Song, trái ngược lại với kỳ vọng của các nhà đầu tư, thanh khoản liên tục lao dốc.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thanh khoản thị trường cổ phiếu sàn HOSE tháng 10/2023 ghi nhận sự điều chỉnh với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 625,89 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên 14.285 tỷ đồng, lần lượt giảm 35,32% về khối lượng và giảm 38,68% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 9/2023.

Trước diễn biến tiêu cực trên, Thương Gia đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam để giúp nhà đầu tư có góc nhìn sâu và rõ hơn về thị trường.

Ảnh chụp Màn hình 2023-11-04 lúc 18.09.22.png
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Ông có bình luận gì về thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, thưa ông?

Đầu tháng 9/2023, thị trường bất ngờ quay đầu giảm sau nhiều tháng miệt mài tăng điểm kèm theo thanh khoản liên tục lao dốc. Diễn biến tiêu cực này xuất hiện ngay sau cuộc họp của FED cùng quyết định không tăng lãi suất.

Tuy nhiên, các quan chức của FED cũng báo hiệu rằng sẽ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Sự kiện này là một trong những yếu tố châm ngòi cho đà giảm của thị trường chứng khoán. Sau cuộc họp của FED, ta thấy được mức lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm vượt qua mức đỉnh của giai đoạn 2007. Điều này làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư rằng nền kinh tế sẽ đối diện với một đợt suy thoái trong tương lai.

Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị giữa Isarel và Hamas nổ ra trong đúng thời điểm tháng 10 đã cộng hưởng cho đà giảm của thị trường lao dốc xuống mức 1.200 điểm trong tháng 9, đến thời điểm hiện lại giảm xuống 1.020 điểm.

Sau cú giảm liên tiếp, chỉ số VN-Index bị chiết khấu hơn 15%, khiến cho tâm lý nhà đầu tư lo sợ, không sẵn sàng quay lại thị trường. Đó cũng là yếu tố khiến thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Tháng 10 cũng là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023. Thông thường, nhà đầu tư sẽ ở động thái “trầm lắng” trong giao dịch, chờ đợi doanh nghiệp và cổ phiếu nào có sức bật tăng trưởng để đầu tư.

Vì chi phí vốn khả năng cao trong ngắn hạn khó có thể hạ được. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào một câu chuyện khác để bù đắp cho chi phí vốn cao hiện nay, đó là tăng trường lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ quay trở lại. Chính vì vậy, tình hình thanh khoản của thị trường trong thời gian gần đây đã có sự chững lại.

Yếu tố cuối cùng là do tỷ giá tăng mạnh, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng xuyên suốt trong thời gian qua. Do đó, tâm lý nhà đầu tư nội vô cùng thận trọng.

Mặc dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song với quá nhiều rủi ro hiện hữu, nên nhà đầu tư không “mặn mà” với thị trường nên thanh khoản sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo đánh giá của ông, VN-Index đã tạo đáy thành công và bước vào nhịp tăng mới hay chưa?

Sau quãng thời gian “nếm mật nằm gai”, chỉ số VN-Index trong những phiên gần đây đã hồi phục và vượt mốc 1.075 điểm, thanh khoản đã tăng vượt lên mức trung bình 20 phiên.

Độ rộng thị trường cải thiện tích cực, số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo số lượng cổ phiếu giảm. Dòng tiền không chỉ tập trung cục bộ vào nhóm cổ phiếu bất động sản mà lan tỏa hầu hết các nhóm cổ phiếu. Có thể thấy, xu hướng tăng đã được xác nhận hay nói cách khác vùng đáy ngắn hạn đã xác lập hiện nay.

Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn đến từ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ hạn ngắn và dài đều giảm mạnh, kéo theo đồng USD cũng hạ nhiệt. Tôi cho rằng, trong thời gian ngắn, áp lực tỷ giá không còn lo ngại như trước đó cùng với những lo lắng về chi phối khủng hoảng đã mất đi.

Một điểm nữa, chỉ số chứng khoán của thị trường Israel đang có những diễn biến phục hồi khá tốt thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư rằng căng thẳng địa chính trị tại đất nước này sẽ sớm hạ nhiệt. Điều này đã gián tiếp tạo tâm lý “hưng phấn” trở lại thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư Việt.

Ông dự phóng chỉ số VN-Index cuối năm 2023 sẽ rơi vào ở vùng giá nào?

Chỉ số VN-Index từ nay đến cuối năm sẽ dao động trong khoảng 1.000 - 1.200 điểm nhưng đến cuối năm 2023 sẽ biến động quanh mức 1.100 điểm.

Trước mắt, trong tháng 11 này, thị trường có thể có đợt tăng trong ngắn hạn. Theo tôi nhận thấy, trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam những khi chỉ số giảm trong tháng 10 thì sang đến tháng 11 sẽ thường là tháng tăng điểm với xác suất cao.

Song, bước sang tháng 12, áp lực thị trường giảm có thể quay trở lại bởi trong tháng này bởi khả năng FED sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn còn ở mức cao.

Trong tháng 10, khối ngoại bán ròng 4.000 tỷ đồng, ông có dự báo gì về dòng tiền nhóm này trong thời gian tới?

Khối ngoại trong thời gian qua có những đợt bán rất mạnh, đặc biệt là hai mã cổ phiếu VHM và MWG. Điểm chung của những đợt bán ròng xuất phát từ nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh quý 3/2023 phản ánh nền kinh tế đang hồi phục chậm hơn so với kỳ vọng của thị trường. Đó là lý do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

Đồng thời, trong tháng 10, mức lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh kéo theo đồng USD tăng. Khả năng đồng USD vẫn leo cao, nên khi nhà đầu tư ngoại phải giảm tỷ trọng cổ phiếu để tránh rủi ro.

Theo dự báo của cá nhân tôi, áp lực bán ròng trung hạn vẫn còn xảy ra từ nay đến cuối năm vì đồng USD chưa hạ nhiệt được. Do vậy, trước mắt khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, nếu lạm phát trong thời gian tới đặc biệt từ đầu năm 2024 hạ nhiệt thì áp lực này sẽ giảm và nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại mua ròng. Ngoài ra, những tin tức tích cực về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có, sẽ kích thích các nhà đầu tư ngoại mua ròng trở lại và kéo thị trường tăng điểm.

Cá nhân ông giao dịch như thế nào trong tháng 10 vừa qua?

Phong cách đầu tư của tôi là đầu tư dựa theo xu hướng từ thị trường cho đến cổ phiếu. Từ những ngày đầu tháng 9, tôi đã nhận thấy rằng thị trường trong ngắn hạn đã xấu rồi và chuyển sang xu hướng giảm, nên bắt buộc phải hạ dần tỷ trọng cổ phiếu tại thời điểm đó.

Vì vậy, tôi né được một phần áp lực giảm trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến danh mục đầu tư dài hạn của tôi. Ví dụ như cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ… của mình.

Song với kinh nghiệm từ khi tham gia đầu tư, tôi biết phải kiểm soát biến động rủi ro ngắn hạn, khi ngắn hạn rủi ro thì bắt buộc hạ tỷ trọng xuống và khi thị trường tích cực trở lại thì mua vào. Theo tôi, đó vẫn là chiến lược an toàn nhất, giảm được rủi ro và vẫn đảm bảo chiến lược đầu tư dài hạn của mình.

Ông có lời khuyên gì giúp các nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường?

Như đã phân tích bên trên, thị trường có thể có nhịp sóng tăng trong ngắn hạn vào tháng 11. Nhà đầu tư có thể cân nhắc xem xét mua vào trong thời điểm này. Tuy nhiên, khó khăn sẽ quay trở lại trong tháng 12 hay nói cách khác rủi ro trung hạn vẫn kéo dài.

Đối với nhà đầu tư đang ôm lượng cổ phiếu lớn và có tỷ trọng tiền mặt cao, có thể tận dụng nhịp sóng tăng của thị trường, cân nhắc dành một phần lượng tiền để đầu tư vào.

Đối với nhà đầu tư nào đang ôm cổ phiếu rồi thì đừng nhìn thị trường tăng lên mà bán lẻ. Theo quan điểm của tôi, có thể mua thêm để giảm bớt tỷ trọng giá vốn xuống, khi thị trường lên cao thì có thể kiếm lời để giảm thiếu số lỗ trong thời gian vừa rồi. Nhưng chung quy, càng lên cao quanh ngưỡng 1.100 - 1.200 điểm, nhà đầu tư cũng nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu xuống để tránh rủi ro trở lại trong tháng 12.

Đặc biệt, chúng ta không nên quá tham lam với đòn bẩy vì những rủi ro về địa chính trị, áp lực tỷ giá… vẫn còn hiện hữu. Việc lạm dụng đòn bẩy rất nguy hiểm, khi thị trường biến động mạnh có thể quay lại đợt sụt giảm không kiểm soát như năm 2022.

Có thể bạn quan tâm