Nên bỏ tiền vào “giỏ” đầu tư nào từ nay đến cuối năm 2023?

Vàng, tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu kênh đầu tư nào sẽ hút tiền đổ vào nhiều nhất trong quý cuối năm 2023?...

ngân hàng và bds.jpeg
Nên bỏ tiền vào “giỏ” đầu tư nào từ nay đến cuối năm 2023?

Dòng tiền gửi ngân hàng tăng chậm lại khi lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Đầu tư vào đâu để sinh lời tốt nhất trong bối cảnh thị trường bất động sản èo uột, nhà đầu tư “quay lưng” với trái phiếu, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng giảm... là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.

CHỨNG KHOÁN VẪN LÀ KÊNH ĐẦU TƯ “SÁNG”

Sau giai đoạn bền bỉ đi lên kéo dài nhiều tháng, trong vài phiên giao dịch gần đây, thị trường rơi vào xu hướng giảm mạnh. Những phiên giảm điểm mạnh bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn, tình trạng “trắng bên mua” cũng trở nên phổ biến trên nhiều nhóm cổ phiếu tăng nóng trước đó.

Đáng chú ý, phiên 25/9, VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 1.153,2 điểm, giảm gần 40 điểm (-3,34%). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn một tháng kể từ phiên 18/8 “giông bão” vừa qua.

Trong các hội nhóm đầu tư trên mạng xã hội, rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong phần bình luận: Thị trường đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm chưa? Chứng khoán liệu có còn là kênh đầu tư hấp dẫn? Nên bỏ tiền vào “giỏ” đầu tư nào từ nay đến cuối năm 2023?

Ảnh chụp Màn hình 2023-09-26 lúc 18.41.42.png
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Trao đổi riêng với Thương Gia, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, rủi ro của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có chiều hướng gia tăng và chỉ số VN-Index vẫn đang tìm kiếm vùng cân bằng. Sau cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa qua, tình hình lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng trở lại và áp lực về việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn ảnh hưởng đến thị trường.

Thêm vào đó, tình trạng căng thẳng về tỷ giá khiến nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng, làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Xét về ngắn hạn, xu hướng giảm vẫn duy trì. Đối với trung hạn, nếu trong tuần này chỉ số VN-Index không lấy lại mốc 1.175 điểm, rất có khả năng cao áp lực giảm sẽ gia tăng và chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng đà giảm.

Mặt khác, những thông tin bất lợi liên tục xuất hiện thời gian qua, như tin đồn một công ty chứng khoán lớn sẽ cắt giảm danh mục margin; lo ngại tác động từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước với công ty chứng khoán, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến dòng vốn margin trên thị trường và cuối cùng là động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước... tạo nên tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư kéo theo đà giảm sâu của thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta.jpeg
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta

Dẫu vậy, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, đối với thời điểm hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì mức định giá thị trường hiện nay đã đi qua giai đoạn định giá rẻ, dù không phải ở mức cao nhưng cơ bản vẫn đủ độ hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia ở thời điểm hiện tại.

Có thể trong ngắn và trung hạn, rủi ro là thị trường đang trong đà giảm nhưng nhà đầu tư vẫn có thể chờ đợi thêm mức chiết khẩu của thị trường. Đối với nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội để tiếp tục tích lũy cổ phiếu.

“Nhìn chung tôi vẫn đánh giá từ nay đến cuối năm thì thị trường chứng khoán vẫn là kênh hút vốn và có mức tỷ suất hấp dẫn. Đặc biệt thời gian vừa rồi thì mức P/E đã quay trở về mức trung bình một năm, tức mức độ hấp dẫn đang càng ngày tăng lên”, ông Minh nói.

Trong một tọa đàm diễn ra vào ngày 27/9, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ViCK đánh giá dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán đang có sự ổn định cao.

Theo ông Điệp, giá trị giao dịch thành công của thị trường chứng khoán trong tháng 8/2023 đạt 22.000 tỷ đồng - đây là mức giao dịch cao nhất trong vòng 2 năm qua. Con số này thể hiện tín hiệu tích cực của thị trường.

“Theo quan sát của tôi nhiều dấu hiệu cho thấy tiền của nhà đầu tư đang chực chờ ở cửa, họ bán đi nhưng họ không rút ra. Bởi, rút tiền ra cũng không có kênh đầu tư nào ổn hơn, kể cả bất động sản, vàng, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm. Rõ ràng là kênh đầu tư chứng khoán đang được ưu tiên hơn”, ông Điệp cho hay.

Cũng theo ông Điệp, ở thời điểm hiện tại thì điểm chứng khoán của thị trường đang ở mức thấp, giống như cách đây 16 năm (năm 2007). Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ không bị “gãy”. Thị trường sẽ có những điểm số mới, đỉnh cao mới trong cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.

KÊNH VÀNG KÉM HẤP DẪN, TRÁI PHIẾU KHÓ BỨT PHÁ

Đối với kênh gửi tiết kiệm, theo giới phân tích nhận định, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ còn tiếp diễn cho tới đến cuối năm khiến nhà đầu tư không mấy "mặn mà".

Song, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Dù lãi suất giảm, tiền gửi của người dân vẫn duy trì ổn định do kênh đầu tư này có tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro. Bằng chứng là tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục nửa đầu năm. Chỉ trong tháng 6/2023, người dân gửi thêm hơn 35.000 tỷ đồng vào ngân hàng.

Dự báo của ông Nguyễn Thế Minh đưa ra rằng: “Mặc dù lãi suất tiết kiệm đang trong đà giảm nhưng dư địa giảm của lãi suất tiết kiệm từ nay đến cuối năm ở mức thấp, tức đà giảm không còn nhiều nữa. Do đó, đây vẫn là kênh được sự ưa chuộng của nhà đầu tư vì có tỷ suất lợi nhuận tốt và độ rủi ro thấp nhất”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, ngoại trừ chứng khoán và gửi tiết kiệm, các kênh tài sản khác chưa phải là thời điểm để đầu tư lúc này.

Từ trước đến này, vàng vẫn là kênh đầu tư kém hấp dẫn tại Việt Nam vì thanh khoản của vàng không cao và biến động về giá cả cũng rất khó lường.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này tính từ đầu năm 2023 đến nay chỉ ở mức trung bình: “Vàng là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị thế giới, đặc biệt là vấn đề căng thẳng giữa Nga - Ukraine hiện nay. Căn cứ theo động thái của ngân hàng trung ương các nước, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế hiện nay thì kênh đầu tư vàng được cho là ít sinh lời nhất”.

Theo dữ liệu từ FiinRatings cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, đa phần là riêng lẻ chiếm hơn 90% trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi nhu cầu vốn doanh nghiệp suy giảm.

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng, từ nay đến cuối năm, khó hồi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù đã có nghị định hỗ trợ, vì đây là cuộc khủng hoảng về niềm tin. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục, đòi hỏi niềm tin của nhà đầu tư phải quay trở lại.

Thế nhưng hiện tại, những vụ án nghiêm trọng liên quan đến trái phiếu chưa được xét xử và lượng vốn đang giữ trong các vụ án này rất cao. Do đó, rất khó để nhà đầu tư có thể lấy lại niềm tin, đầu tư vào thị trường này. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được nhìn nhận là thị trường lãi suất cố định nhưng rủi ro rất cao.

“Thêm nữa, trước đây, một số ngân hàng tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng muốn gửi chứng chỉ tiền gửi hoặc sổ tiết kiệm, trong khi họ không có nhu cầu. Do đó, khi sự việc vỡ lẽ ra thì nguồn cầu cho trái phiếu càng giảm đi, vì trước đây hầu hết trái phiếu doanh nghiệp được bán qua kênh ngân hàng. Khi nguồn cầu không có thì rất khó để kênh trái phiếu doanh nghiệp hồi phục.

Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đa số là doanh nghiệp bất động sản, trong khi thị trường hiện nay có độ rủi ro cao nên nhà đầu tư hay ngân hàng cũng rất cân nhắc chuyện đầu tư vào thị trường này” - TS Huân giải thích thêm.

Do vậy, những giải pháp của thị trường trái phiếu chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, phải lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư mới có thể hồi phục, chưa nói đến tăng trưởng.

TPDN.png
Nguồn: VnDirect

Tuy nhiên, bên cạnh những dự đoán ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có một vài “cửa sáng” trong cuối năm 2023. Nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang tiến đến điểm bão hòa khi đạt tỷ lệ tín dụng/GDP là 180% trong khoảng 3 – 4 năm nữa. Khi đó, kênh huy động vốn qua ngân hàng có thể sẽ là “cửa hẹp” trong khi dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.

Song song với đó, ngày càng có nhiều thêm chính sách gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mới đây nhất là Nghị định 08. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, với những nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu sẽ dần an toàn, bền vững hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.

BẤT ĐỘNG SẢN “ẤM” NHƯNG CHƯA THỂ TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Đối với bất động sản, vốn được xem là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả khi sở hữu thị trường 100 triệu dân và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, thị trường vẫn còn đó những thăng trầm, nhất là năm 2022, thị trường gặp phải không ít khó khăn vướng mắc, với phần lớn các vướng mắc xuất phát từ pháp lý. Nổi bật là vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề quy hoạch, định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản chỉ mới ở giai đoạn ấm lên chứ chưa thể tăng trưởng mạnh. Dòng tiền sẽ chỉ đổ vào những dự án bất động sản nhà ở xã hội là phân khúc đang nhận được nhiều sự ưu tiên chính sách.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VIG cho hay, hiện nay, kênh đầu tư bất động sản chưa có nhiều khởi sắc vì đây là ngành đang gặp nhiều khó khăn về vốn, tổ chức sản phẩm, đầu ra, bán hàng. Do đó, để ngành bất động sản hồi phục thì cần rất nhiều thời gian.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).jpeg
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản các tháng cuối năm, theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc chung cư và nhà ở thực hiện vẫn có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt nhu cầu tại các khu vực thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng. Do đó, khi giá bán của các phân khúc này trở về mức hợp lý từ 30 - 35 triệu đồng/m2, dòng tiền thực có thể sẽ bắt đầu dịch chuyển vào.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Đính còn cho biết thêm, thời điểm cuối năm 2023, bên cạnh việc những loại hình bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực sẽ có sự sôi động hơn so với đầu năm thì phân khúc đất nền sẽ phục hồi chậm hơn do mang nặng tính đầu cơ.

Xem thêm

Chọn bất động sản pháp lý minh bạch để lưu trú dòng tiền

Chọn bất động sản pháp lý minh bạch để lưu trú dòng tiền

Sau giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ giao dịch đặc biệt là những giao dịch chớp nhoáng, thị trường hiện đã bắt đầu có sự ổn định, đây là thời điểm “thanh lọc thị trường” và là lúc các sản phẩm có sổ đỏ, pháp lý minh bạch khẳng định giá trị...

VARs: Cần kiểm soát tiền ứng trước của khách hàng để dòng tiền bất động sản đi đúng mục đích

VARs: Cần kiểm soát tiền ứng trước của khách hàng để dòng tiền bất động sản đi đúng mục đích

Trong nhiều năm qua, khoản tiền ứng trước của khách hàng chiếm khoảng 18% tỷ trọng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, đây là một kênh dẫn vốn quan trọng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, để dòng tiền sử dụng vào đúng mục đích, đảm bảo tiến độ dự án…
Thị trường chứng khoán "ngóng" dòng tiền lớn trở lại

Thị trường chứng khoán "ngóng" dòng tiền lớn trở lại

Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực khi lực tăng tốt trong 2 tháng liên tiếp, kèm thanh khoản dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn dòng tiền đang tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi, dòng vốn hóa lớn chuyển động chậm hơn...
Nhiều tin tốt, dòng tiền đã trở lại với thị trường chứng khoán

Nhiều tin tốt, dòng tiền đã trở lại với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 5 với diễn biến tích cực về cả điểm số và thanh khoản. Mặc dù cần nhiều thời gian để thẩm định rõ hơn về các tín hiệu kinh tế vĩ mô và kết quả doanh nghiệp. Nhưng thị trường đang có nhiều cơ sở hơn về niềm tin dòng tiền sẽ dồi dào trở lại...

Có thể bạn quan tâm