Chuyển giá ở Việt Nam (Bài 4): Cần hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ

Để có giải pháp tốt nhất về việc chống chuyển giá chúng ta cần chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi công tác cán bộ là khâu then chốt, đồng thời phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng và khuyến khích áp dụng APA

Như đã phân tích ở những bài trước, khung pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, rời rạc và rất thiếu giá trị pháp lý. Điều này đã gây khá nhiều khó khăn cho cơ quan thuế trong việc đưa ra các lập luận pháp lý nhằm đấu tranh với các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, khung pháp lý thiếu và yếu cũng làm cho các doanh nghiệp khó nắm được các quy định chuyển giá nào được phép hoặc không được phép để có thể tuân thủ đúng. Do vậy, Việt Nam cần sớm luật hóa việc chống chuyển giá nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh và hiệu lực nhằm hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá của cơ quan thuế Việt Nam, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, rõ ràng và minh bạch để các doanh nghiệp có cơ sở tuân thủ.

Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam, hạn chế các khác biệt hóa trong các quy định vì điều này có thể gây khó khăn cho vấn đề hợp tác quốc tế về chống chuyển giá, Tiến sỹ Tuấn nói.

Về việc áp dụng nguyên tắc thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong việc chống chuyển giá, Tiến sỹ Tuấn cho rằng dù bản thân nguyên tắc APA vẫn có nhiều hạn chế nhất định nhưng đây vẫn là một trong số ít những phương thức được áp dụng phổ biến ở rất nhiều nước nhằm hạn chế hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Tiến sỹ Tuấn thông tin, ở Việt Nam, từ năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn áp dụng APA trong quản lý thuế. Từ thực tiễn áp dụng thời gian qua đã nảy sinh một số hạn chế như được thảo luận ở một số diễn đàn. Dù được ban hành từ cách đây nhiều năm nhưng do là nguyên tắc tự nguyện nên số doanh nghiệp áp dụng APA với cơ quan thuế hiện vẫn còn rất ít so với số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam.

Có một số lý do khiến cho doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia APA đó là thủ tục và quy trình đàm phán APA phức tạp và kéo dài, gây tốn kém thời gian và chi phí nhưng hiệu quả không rõ ràng; doanh nghiệp cân nhắc giữa lợi ích và chi phí của APA và họ thấy chưa có lợi để tham gia; vấn đề bảo mật thông tin cũng là điều khiến doanh nghiệp hết sức e ngại.

Ngay cả bản thân cơ quan thuế cũng gặp phải một số khó khăn, ví dụ như năng lực và kinh nghiệm đàm phán của cán bộ thuế còn yếu, thiếu khuôn khổ hợp tác với cơ quan thuế các nước, vấn đề tham nhũng và đạo đức của cán bộ thuế…

Để mở rộng và khuyến khích áp dụng APA, từ phía các cơ quan thuế cần nỗ lực khắc phục các hạn chế từ phía nội tại của mình. Đối với các doanh nghiệp FDI cần có chính sách khuyến khích tham gia APA bằng các lợi ích cụ thể, giảm chi phí tuân thủ, Tiến sỹ Tuấn khuyến nghị.

Việt Nam cần sớm luật hóa việc chống chuyển giá
Việt Nam cần sớm luật hóa việc chống chuyển giá

Hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia nêu ý kiến, Bộ Tài chính, ngành Thuế phải có kế hoạch củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý của ngành thuế để đáp ứng cho công tác quản lý thuế quốc tế, đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người thực thi nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp có vốn FDI và thanh tra chống chuyển giá.

Vẫn theo các chuyên gia việc Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thành lập các phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và tại 04 Cục Thuế lớn, nhằm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra giá chuyển nhượng nói riêng và công tác quản lý giá chuyển nhượng nói chung để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy cán bộ làm thanh tra không chỉ phải đấu tranh với doanh nghiệp mà còn đấu tranh với đội ngũ tư vấn, luật sư dày dặn kinh nghiệm, số lượng công văn, báo cáo phải thực hiện khá lớn, khối lượng công việc nhiều, số lượng doanh nghiệp vi phạm về chuyển giá ngày càng tăng, mức độ vi phạm lớn hơn.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị về lâu dài, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần thiết nghiên cứu thành lập Cục thanh tra thuế hoạt động độc lập với công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp, có bộ phận tình báo thuế để tiếp cận các thông tin về giá tại các quốc gia và nội tại các doanh nghiệp có vốn FDI, bổ sung đủ lực lượng cán bộ có bề dày kinh nghiệm, tạm thời chưa thực hiện công tác luân chuyển vị trí làm việc đối với số cán bộ làm công tác chống chuyển giá sang làm việc tại bộ phận khác.

Việc thanh tra giá chuyển nhượng được thực hiện ở cả cấp Bộ Tài chính và cơ quan thuế cấp vùng theo quy mô và độ phức tạp của vụ việc vi phạm. Bộ Tài chính, ngành thuế cần có kế hoạch đào tạo và bổ sung đội ngũ cán bộ công chức thuế đủ về số lượng, có kỹ năng quản lý thuế quốc tế, quản lý giá chuyển nhượng và có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học làm công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại tất cả các cấp.

Cần xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chống chuyển giá
Cần xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chống chuyển giá

Xây dựng cơ chế phối hợp trong đấu tranh chống chuyển giá

Khảo sát 2017 cho thấy, có 64,2% số cán bộ công chức thuế cho rằng chống chuyển giá là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Thuế và Hải quan nói riêng, ngành Tài chính nói chung. Tuy nhiên, chống chuyển giá chỉ thực sự có hiệu quả khi và chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương. Để kiểm soát được hoạt động chuyển giá thì ngoài sự nỗ lực của Bộ Tài chính và ngành thuế thì cũng rất cần sự vào cuộc của các Bộ, Ban, Ngành để phối hợp trong đấu tranh chống chuyển giá.

Bên cạnh những giải pháp trên nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cũng cần xây dựng được hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, đặc biệt cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp có vốn FDI, cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp không phát sinh quan hệ liên kết (doanh nghiệp độc lập) để phục vụ công tác thanh tra giá chuyển nhượng đối với các ngành nghề có rủi ro cao về chuyển giá, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp như ngành: May mặc, da giày, sản xuất đồ uống, sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử... tích hợp đầy đủ các thông tin về đăng ký thuế như: Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ, ngành nghề sản xuất kinh doanh, vốn, lao động, trạng thái hoạt động… thông tin về báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, bảng cân đối kế toán; thông tin về tình hình thanh tra, kiểm tra; tình hình thực hiện kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Để thực hiện tốt những giải pháp trên, các chuyên gia đều cho rằng cần thiết có sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phối hợp có hiệu quả trong hoạt động chống chuyển giá.

Xem thêm

Nghịch lý doanh nghiệp FDI: Càng ưu đãi... càng lỗ?

Nghịch lý doanh nghiệp FDI: Càng ưu đãi... càng lỗ?

Để hạn chế tình trạng trải thảm đỏ thu hút đầu tư, song doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn liên tục báo lỗ. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tự đi trên đôi chân của mình,
Năm 2019, 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ

Năm 2019, 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI.

Có thể bạn quan tâm