Những dự án mở cửa thị trường
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông nằm trong 7 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình giảm tải ùn tắc giao thông năm 2017 là hơn 11.000 tỷ đồng, lũy kế 2 năm 2016 - 2017 là hơn 20.000 tỷ đồng, đạt 33,6% so với kế hoạch 2016 - 2020, số vốn còn lại phải thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 là gần 50.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Phong cho biết, ưu tiên lớn nhất cho năm 2018 là xây dựng các tuyến đường giao thông như các tuyến đường cửa ngõ vào Thành phố, các tuyến đường xuyên tâm, nhất là khu Cát Lái, quận 2 và khu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình.
Năm 2017, TP.HCM đã tiến hành động thổ những dự án giao thông lớn cửa ngõ vào trung tâm Thành phố và những dự án này sẽ được hoàn thiện trong năm 2018 này. Đơn cử, trong tháng 5/2017, TP.HCM tiến hành xây dựng hai hầm chui trên 2 đường song hành xa lộ Hà Nội đoạn nút giao thông trạm 2 (quận 9 - Thủ Đức) với tổng kinh phí 165,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý III/2018.
Nằm trong dự án đầu tư mở rộng xa lộ Hà Nội, công trình xây dựng phần đường song hành xa lộ Hà Nội phía bên trái có tổng chiều dài 780 m, trong đó các hầm chui dài 92 m. Phần đường song hành bên phải có tổng chiều dài 1.020 m, trong đó các hầm chui dài 120 m. Mặt hầm rộng 13,5 m bao gồm lề đường công vụ.
Vào tháng 1/2017, hầm chui An Sương quận 12 cũng chính thức được động thổ xây dựng. Dự án bao gồm 2 hầm chui, trong đó hầm N1 (hướng trung tâm Thành phố đi Tây Ninh) phía đường Trường Chinh dài 140 m, phía Quốc lộ 22 dài 180 m. Hầm N2 phía Quốc lộ 22 dài 120 m, phía đường Trường Chinh dài 140 m.
Mỗi hầm sẽ có 2 làn xe lưu thông, gồm 1 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp. Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng và sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công cho cả 2 giai đoạn, tức là sẽ khánh thành trong năm nay.
Nút giao thông An Sương là điểm giao cắt giữa hai trục đường xuyên tâm quan trọng là đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường Vành đai 2 (Quốc lộ 1A).
Ngoài ra, trong năm 2017, TP.HCM cũng đưa vào hoạt động nhiều hạ tầng giao thông lớn như dự án mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội nối các tỉnh Đông Nam Bộ vào TP.HCM. Thông xe một nhánh cầu vượt ngã sáu Gò Vấp, thông xe cầu vượt Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm nối vào sân bay Tân Sơn Nhất…
Ngoài ra, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, năm 2017, trong số 37 điểm ùn tắc giao thông thì chỉ xóa được 4 điểm, 24 điểm có chuyển biến tốt, còn lại 9 điểm phức tạp. Cũng theo ông Cường, năm 2017, Thành phố đã xây dựng thêm được 106 km đường, 21 cây cầu.
“Theo kế hoạch chỉ đạo của UBND TP.HCM, năm 2018, Sở sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2018 gồm các dự án giao thông theo hướng Đông, gồm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú).
Ở hướng Tây Nam, gồm các dự án cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2 - từ An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương, tuyến trục Bắc - Nam (từ An Sương đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) và những tuyến hướng tâm như các quốc lộ 1, 13, 22, 50.
Bên cạnh đó, sẽ triển khai cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4…
Một số dự án khác được đôn đốc thực hiện để sớm hoàn thành trong năm 2018 như các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (gồm 6 công trình như cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa); khu vực Cảng Cát Lái (15 công trình, như xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Vành đai 2 và nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ mặt đường Vành đai 2”, ông Cường nói.
Hạ tầng giao thông khu Đông TP.HCM hoàn thiện, kéo theo thị trường bất động sản đi lên
Cũng theo thông tin lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, ngay trong quý I/2018, toàn Thành phố sẽ khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ. Trong đó, Sở sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2, đường nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50 kết nối TP.HCM với tỉnh Long An.
Địa ốc hưởng lợi lớn
Theo giới phân tích, với việc ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM như hiện nay, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn trong năm 2018 và thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích, nhìn tổng thể thị trường 2017 đã có thể thấy ngay được việc thị trường bất động sản hưởng lợi thế nào từ những hạ tầng giao thông của TP.HCM. Rõ rệt nhất là khu Đông, nơi được cho là có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh bậc nhất Thành phố hiện nay.
Thị trường bất động sản tại khu vực này đã và đang chiếm thế thượng phong nhờ vào việc các dự án lớn từ chung cư, biệt thự tới đất nền đều phát triển mạnh trên nền tảng giao thông đồng bộ.
Trước đó là khu Nam, những năm 2007, khi Thành phố ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông về khu vực này, thị trường bất động sản tại đây cũng phát triển mạnh mẽ.
“Qua những ví dụ trên có thể khẳng định rằng, các chủ đầu tư, nhà môi giới cũng như những khách hàng đều bám sát những tín hiệu phát triển hạ tầng giao thông mới để ra quyết định. Năm 2017, Thành phố bắt đầu có chuyển dịch về phát triển hạ tầng giao thông ra vùng ven, cũng từ đây bất động sản vùng ven lên ngôi mạnh mẽ.
Trong nhiệm vụ phát triển giao thông của Thành phố năm 2018 sẽ có nhiều công trình, dự án được khởi công hoặc khánh thành hơn năm 2017. Đây được cho là cơ hội để ngành địa ốc bùng nổ trong năm 2018”, ông Châu nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cũng cho rằng, thị trường địa ốc muốn phát triển được phải dựa chủ yếu vào hạ tầng giao thông. Đây là xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một trong những lợi thế nổi bật của TP.HCM so với các thành phố trong khu vực là quy mô thành phố đang được mở rộng rất lớn. Trong khi đa số các thành phố khác trên thế giới, đô thị vùng ven phải nằm trong bán kính 200 km, còn TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ cách nhau khoảng 30 km, nên có thể gọi các tỉnh lân cận của TP.HCM là vùng ngoại ô.
Thực tế, thị trường bất động sản của Thành phố cũng đang có xu thế lan ra vùng ven trong năm 2017 và sẽ diễn ra mạnh hơn trong năm 2018, đặc biệt là khi hạ tầng giao thông kết nối vùng ven của TP.HCM đã được cải thiện rất nhiều.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay các chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng dự án bất động sản tại TP.HCM đều bám sát vào quy hoạch giao thông của Thành phố.
Đặc biệt, không chỉ những vị trí mà dự án giao thông đã hoàn thiện, mà những dự án giao thông chuẩn bị xây dựng cũng được các chủ đầu tư bất động sản săn tìm quỹ đất để phát triển dự án bất động sản tại đây. Điều này cho thấy, giao thông đang sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thị trường bất động sản trong năm 2018
Theo Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản