Cổ phần hóa Mobifone: hơn 10 năm vé trong tay vẫn lỡ chuyến tàu

Quyết định cổ phần hóa Mobifone đã có từ năm 2005 nhưng đến nay sau hơn 10 năm công ty này vẫn chưa thể cổ phần hóa.
Cổ phần hóa Mobifone: hơn 10 năm vé trong tay vẫn lỡ chuyến tàu

Thay tư vấn ngoại, chọn tư vấn nội

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa Mobifone. Sau đó, Bộ Tài chính đã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa này.

Tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa Mobifone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn. Credit Suisse là đơn vị trúng thầu. Một nguồn tin không chính thức tại thời điểm đó cho hay Credit Suisse đã định giá Mobifone khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, thông tin này không được các đơn vị có thẩm quyền xác nhận. "Để tiến hành cổ phần hóa Mobifone, chúng ta đã phải thuê nhà tư vấn của Thụy Sỹ là Credit Suisse. Nhà tư vấn này đã tư vấn cho Việt Nam tiến hành cổ phần hóa một số ngân hàng. Lúc đó, Bộ Tài chính đã cấp 20 tỷ đồng đề đầu tư cho các hoạt động tiến hành cổ phần hóa Mobifone.

Công ty tư vấn đã xây dựng được 5 phương án đánh giá giá trị của MobiFone lúc đó. Tuy nhiên, sau đó việc cổ phần hóa Mobifone bị dừng lại", ông Nguyễn Bắc Son, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói. Mặc dù đã làm việc Credit Suisse để tiếp tục là nhà tư vấn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho Mobifone nhưng theo ông Lê Nam Trà - Chủ tịch Mobifone, do mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành. Mobifone đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) để tư vấn và chuẩn bị cho IPO.

2 lần bất ngờ thay tướng

Sau hơn một tháng có quyết định tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và sẽ tiến hành cổ phần hóa, Mobifone được lệnh phải nhận hoàn thiện phương án cổ phần hóa ngay trong năm 2014 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015. 

Tuy nhiên, mọi vấn đề vẫn cứ ách tắc. Hầu hết các chuyên gia ngành viễn thông nhận định rằng, do mọi bước cho việc cổ phần hóa đã được Mobifone chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng quy trình nên hoàn toàn có thể sớm khởi động lại chứ không mất nhiều thời gian như đối với những doanh nghiệp bắt đầu từ con số 0.

Nếu Mobifone thúc đẩy quá trình cổ phần hóa ngay, trên cơ sở không có sự xáo trộn về từ cơ cấu nhân sự, đến các chiến lược phát triển thì chắc chắn mọi việc có thể sẽ hoàn tất trong năm 2015. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi bất ngờ bổ nhiệm ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Thông tin di động VMS-Mobifone phụ trách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp này thay cho ông Lê Ngọc Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhà mạng Mobifone tiếp tục gây bất ngờ với quyết định “thay tướng” lần thứ 2.

Theo đó, ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc Công ty Thông tin di động VMS, nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Mobifone từ ngày 11/12/2014, đến ngày 31/12/2014 thì kiêm nhiệm phụ trách chức vụ Chủ tịch Mobifone thay cho ông Mai Văn Bình nghỉ hưu theo chế độ. Thông tin này dường như cũng không quá bất ngờ với cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Tuy nhiên, họ vẫn không hiểu tại sao phải thay đổi, nếu như Chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ cũng như xúc tiến IPO Mobifone hiệu quả nhất? Sau khi ông Trà lên nắm quyền điều hành, Mobifone liên tục bổ nhiệm các nhân sự cao cấp khác. Mobifone đứng trước thay đổi nhân sự chủ chốt lớn chưa từng có trong lịch sử hơn 20 năm phát triển của mình với hàng loạt bổ nhiệm mới, luân chuyển lãnh đạo đơn vị.

Vướng thanh tra vụ thâu tóm AVG

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch quý II/2015 của Tổng Công ty viễn thông Mobifone ngày 14/4/2015 Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhận định cổ phần hóa trong năm 2015 là một mệnh lệnh, một yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với Mobifone. Theo đó, Mobifone và một số doanh nghiệp khác phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2015, công bố giá trị doanh nghiệp trong quý III/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta thuê tư vấn định giá giá trị danh nghiệp của MobiFone. Tiến độ cổ phần hóa sẽ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đề ra. Nhưng chúng ta không cổ phần hóa Mobifone bằng mọi giá. Việc cổ phần hóa phải được tiến hành trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, các cổ đông và của người lao động”.

Đầu năm 2016, Mobifone xác nhận thông tin mua 95% cổ phần AVG, tuy nhiên bất ngờ ở chỗ giá mua bán của thương vụ này không được tiết lộ. Trước đó, kế hoạch mua 95% cổ phần AVG của Mobifone được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định phê duyệt trong Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone hồi tháng 12/2015.

Việc một tổng công ty nhà nước như Mobifone tiến hành mua AVG trước thềm cổ phần hóa cũng cho thấy những định hướng mang tính chiến lược của Mobifone. Nhưng vẫn còn những điều mà dư luận muốn và cần biết đó là Mobifone đã mua AVG với giá bao nhiêu? Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Liên quan đến việc thanh tra thương vụ Mobifone mua AVG, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều ngày 2/8/2016, phóng viên có đặt câu hỏi về việc có thông tin cho rằng giá trị thực của AVG chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng Mobifone mua đến hơn 8.000 tỷ đồng.

Về việc này Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói: "Giá của AVG bao nhiêu phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tài chính thẩm định giá, chứ chúng ta không thể dự đoán, áng bao nhiêu được. Còn việc mua bán liên quan giữa các đối tác với nhau".

Chưa rõ thông tin thanh tra toàn diện thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG có ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa Mobifone hay không nhưng rõ ràng, thời điểm từ giờ cho đến khi kết thúc quá trình thanh tra và đưa ra kết luận chính thức không phải là thời điểm thuận lợi để cổ phần hóa Mobifone. "Chuyến tàu cổ phần hóa" của Mobifone có cập bến vào năm nay hay lại tiếp tục bị lỡ như 10 năm trước đây vẫn còn là một ẩn số.

Hồ Mai/VNF

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...