Ngành bảo hiểm có triển vọng tăng trưởng lớn
Trong báo cáo công bố cuối tháng 11 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện và dầu khí là 5 nhóm ngành có nhiều triển vọng trong năm tới.
Tuy nhiên, trước đó, báo cáo tháng 6/2017 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm Việt Nam là lớn, đồng thời Việt Nam được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018, môi trường lãi suất sẽ có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Vì sao triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm Việt Nam lớn? Theo BVSC, đó là nhờ 3 yếu tố chính: Tiềm năng tăng trưởng xuất phát từ sự khác biệt trong hệ thống phúc lợi xã hội và chăm sóc y tế; nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm giúp đảm bảo thu nhập khi về hưu; nguồn vốn huy động từ ngành bảo hiểm là nguồn vốn phù hợp nhất với nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong tương lai.
Cụ thể, với yếu tố thứ nhất, ngân sách nhà nước chỉ chi trả 39% tổng chi phí chăm sóc y tế - sức khỏe, trong khi tại các nước phát triển trên thế giới thì con số này đạt tỷ trọng khoảng 68 - 70% tổng chi phí. Đối với phần ngoài ngân sách, người dân Việt Nam đang phải tự chi trả hoàn toàn.
“Trên thực tế, người Việt Nam vẫn đang phải tự bỏ tiền túi để chi trả cho các chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe không được ngân sách nhà nước tài trợ. Gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ được san sẻ bớt sang các công ty bảo hiểm, vì vậy bảo hiểm sức khỏe còn rất nhiều 'room' để tăng trưởng”, báo cáo của BVSC cho biết.
Với yếu tố thứ hai, tại Việt Nam chỉ có khoảng 21% lực lượng trong độ tuổi lao động đủ điều kiện để được hưởng lương hưu sau khi về hưu. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước phát triển là 88%, tại các nước trong khu vực là khoảng 26% và lương hưu do Nhà nước chi trả là nguồn thu nhập chính sau khi về hưu. Do đó, tại Việt Nam, khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động hiện nay chưa có nguồn thu nhập ổn định sau khi về hưu để trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày, chưa kể đến các chi phí chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh khi về già. Đây cũng là cơ hội để bảo hiểm chăm sóc sức khỏe “lên ngôi”.
Đối với yếu tố thứ ba, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là những dự án dài hạn và vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước khá hạn chế do phải đảm bảo ổn định hệ thống tài chính. Do đó, huy động vốn từ kênh tư nhân sẽ là phương thức được chú trọng trong thời gian tới và ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường vốn do đặc tính huy động được số vốn lớn, ổn định hàng năm và dài hạn từ khu vực dân cư.
Trong báo cáo phân tích chuyên ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, mức tăng trưởng trên 10%/năm của ngành này sẽ được duy trì từ nay tới năm 2020 do tăng trưởng của ngành bảo hiểm phi nhân thọ gắn liền với tăng trưởng kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế, cải thiện thu nhập đầu người và nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro là các yếu tố đã và đang thúc đẩy tăng trưởng của ngành bảo hiểm Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số của ngành bảo hiểm sẽ được duy trì trong trung và dài hạn. Tăng trưởng GDP và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu là động lực thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Các dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì trên mức 6% trong dài hạn”, báo cáo của MBS viết.
Hiện thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình thấp, khiến người dân chưa thể tham gia các sản phẩm bảo hiểm một cách rộng rãi, nhưng trở ngại này sẽ được giảm thiểu trong tương lai, khi thu nhập người dân được cải thiện, đặc biệt là tại khu vực đô thị.
Trong khi đó, các mối đe dọa từ ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, dịch bệnh đã nâng cao nhận thức của người dân về nhu cầu bảo vệ sức khỏe. Dự báo, chi tiêu cho y tế sức khỏe trong các năm tới tại Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm sức khỏe.
Ngoài ra, những năm gần đây, số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh, xu hướng này dự báo sẽ được duy trì trong nhiều năm tới. Theo khảo sát của Bảo hiểm Liberty, có tới 50% xe ô tô hiện chưa mua bảo hiểm vật chất. Do đó, thị trường ô tô cá nhân sẽ là một động lực quan trọng cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Rủi ro nào?
Rủi ro đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết nói riêng, doanh nghiệp bảo hiểm đại chúng nói chung, theo nhìn nhận của các công ty chứng khoán, đó là các rủi ro bất thường, khôn lường về thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hư hỏng, mất mát tài sản..., dẫn tới trách nhiệm bồi thường của hãng bảo hiểm. Đây cũng là rủi ro chung của ngành bảo hiểm.
Nhìn lại năm 2015, các vụ gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh khiến tổng thiệt hại của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhờ có các nhà tái bảo hiểm, nên áp lực với các doanh nghiệp bảo hiểm giảm đáng kể.
MBS nhìn nhận, trong các năm vừa qua, tỷ lệ bồi thường đã được kiểm soát. Sau các vụ gây rối kể trên, tỷ lệ bồi thường đã lùi về dưới mức 35% trong năm 2016 và được kỳ vọng sẽ duy trì dưới mức 40% nhờ các nỗ lực kiểm soát bồi thường và hạn chế gian lận bảo hiểm của các công ty bảo hiểm.
“So sánh với các thị trường châu Á thì tỷ lệ bồi thường ở Việt Nam đang ở mức thấp hơn trung bình. Nhìn chung, tỷ lệ bồi thường ở các nước phát triển cao hơn so với các nước đang phát triển do tỷ lệ thâm nhập cao đi kèm rủi ro bồi thường”, báo cáo của MBS cho biết.
Trong các loại hình bảo hiểm chính, bảo hiểm cháy nổ có tỷ lệ bồi thường cao nhất, bảo hiểm hàng hóa thấp nhất. Bảo hiểm sức khỏe đang có mức độ cải thiện về tỷ lệ bồi thường một cách rõ rệt. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí cao, nhưng bảo hiểm sức khỏe được MBS dự báo, tỷ lệ bồi thường ở sản phẩm này sẽ tiếp tục giảm nhờ rủi ro được phân tán.
Bởi lẽ, đối tượng tham gia là các cá nhân, quy mô số tiền bảo hiểm trên một hợp đồng thấp, trong khi các công ty bảo hiểm có khả năng kết hợp với bên thứ ba là bệnh viện để kiểm soát bồi thường, ngăn chặn trục lợi. Mặt khác, công ty bảo hiểm có thể chủ động trong việc thay đổi chính sách bồi thường dựa trên kết quả hoạt động do kỳ hạn bảo hiểm sức khỏe là một năm hoặc ngắn hơn.
Rủi ro ngành cũng được các chuyên gia chỉ ra, đó là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người Việt Nam còn thấp, nhưng có đến 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang cạnh tranh giành thị phần.
Kèm theo đó là một số tồn tại như nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lỗ nghiệp vụ (do tăng hoa hồng để thu hút đại lý), đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì phổ biến tình trạng hủy hợp đồng từ năm thứ hai do đại lý tạo doanh thu ảo để nhận hoa hồng. Khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì chấp nhận phí thấp, kể cả các nghiệp vụ có rủi ro bồi thường cao, nhất là ở khối bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ.
Ngoài ra, theo MBS, sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác cùng nhận thức về việc bảo vệ các rủi ro trong tương lai còn thấp làm hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường bảo hiểm. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp đà tăng trưởng của doanh thu bảo hiểm cũng là điểm trừ trong mắt nhà đầu tư.
Để hạn chế rủi ro đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm, theo các chuyên gia, cần hướng đến các cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh tốt, tỷ lệ bồi thường ở mức thấp hơn nhiều so với thị trường, có quỹ dự phòng nghiệp vụ dồi dào, quy mô dự phòng lớn, giúp hạn chế rủi ro suy giảm kết quả kinh doanh khi rủi ro bồi thường xảy ra.
Lợi nhuận sẽ cải thiện
Nhiều công ty chứng khoán dự báo, trong bối cảnh môi trường lãi suất trong năm tới được nhận định có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm, lợi nhuận ngành bảo hiểm sẽ được cải thiện do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm và danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng.
“Mặt bằng lãi suất năm 2016 đã ở mức rất thấp và chịu áp lực gia tăng tương đối lớn trong 2017, do đó lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ được cải thiện từ năm 2018”, báo cáo phân tích của BVSC viết.
Bộ phận Phân tích của MBS cho hay, mặt bằng lãi suất tăng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, do hoạt động này có đặc thù tập trung vào tiền gửi với tỷ trọng ngày càng gia tăng để đảm bảo tính thanh khoản, đáp ứng nhu cầu bồi thường. Các dự báo vĩ mô cho thấy, xu hướng tăng của lãi suất huy động tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2017, đây sẽ là yếu tố tích cực cho danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng nhìn nhận, do hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, nên các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lâu nay vẫn theo đuổi chiến lược kinh doanh thận trọng. Vì vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này thường không có được mức tăng trưởng đột biến, hoặc không duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn ở mức cao.
Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), điểm nhấn đầu tư, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ tập trung ở các sự kiện có ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp như phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, hay tiến hành cổ phần hóa, niêm yết.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết/đăng ký giao dịch - Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (mã chứng khoán ABI - sàn UPCoM) - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC - sàn HOSE) - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán BLI - sàn UPCoM) - Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI - sàn HOSE) - Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH - sàn HOSE) - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIG - sàn UPCoM) - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI - sàn HOSE) - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI - sàn HNX) - Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI - sàn HNX) - Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán VNR - sàn HNX). |
Theo Hương Thu - Kim Lan
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017