Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu GEE của Công ty Cổ phần Điện lực Gelex.
Cụ thể, 300 triệu cổ phiếu GEE sẽ chính thức giao dịch trên HOSE vào ngày 14/8/2024 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 37.150 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá là 20%.
Trước đó, vào ngày 2/7, HOSE đã chấp thuận niêm yết cổ phiếu GEE với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 3.000 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Điện lực Gelex được thành lập vào ngày 29/8/2016 với mục đích sản xuất kinh doanh các thiết bị đo điện, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) sở hữu 100% vốn.
Đến năm 2018, Tập đoàn Gelex thực hiện tái cấu trúc toàn bộ công ty, trong đó bao gồm việc đổi tên Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện thành Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, với vai trò là công ty nắm giữ và quản lý phần vốn góp của Gelex tại các công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện.
Năm 2020, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex chuyển đổi thành công ty cổ phần, đổi tên thành Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex. Hiện nay, Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex đang là công ty mẹ sở hữu trực tiếp 5 công ty con sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện bao gồm: Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), Công ty Cổ phần Thiết bị điện (THIBIDI), Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM), Công ty Cổ phần Thiết bị đo điện EMIC (EMIC), Công ty Dây đồng Việt Nam CFT (CFT).
Xét về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 2/2024, Điện lực Gelex ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Cùng chiều doanh thu, giá vốn hàng bán cũng tăng lên mức 4.535 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 83,6% so với quý 1/2023.
Xét về cơ cấu, doanh thu bán thành phẩm chiếm phần lớn với 5.150 tỷ đồng, tăng 46,6%. Trong khi đó, các doanh thu khác đều giảm như doanh thu bán điện giảm 54,9%, xuống 78,4 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hoá cũng giảm 35,1%, về mức 93,9 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 31,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 20%.
Trong kỳ, chi phí tài chính đạt 198,8 tỷ đồng, giảm 9,8%. Chi phí tài chính cũng giảm % xuống còn 134,1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên mức 122,8 tỷ đồng và 121,5 tỷ đồng, cao hơn 75,1% và 18,5% so với cùng kỳ.
Kết quả, Điện lực Gelex báo lãi trước thuế đạt 673,7 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 533,7 tỷ đồng trong quý 2/2024, lần lượt tăng 456,7% và 514,5% so với quý 2/2023.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty thu về 9.030 tỷ đồng doanh thu và 821,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.381 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.158 tỷ đồng, tăng lần lượt là 10,7% và 19,7% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, với kết quả đạt được, Điện lực Gelex đã hoàn thành 49,1% mục tiêu doanh thu và 71% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính đến ngày 30/6/2024, quy mô tài sản của Điện lực Gelex đạt hơn 13.042 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 6.954 tỷ đồng, với hơn 564,8 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Tổng số nợ phải trả là 6.788 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 6.075 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 712,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý 2/2024 đạt khoảng 6.253 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm, nhận định về tình hình năm 2024, ban lãnh đạo Điện lực Gelex cho rằng sẽ có nhiều điểm sáng nhưng cũng tồn tại không ít thách thức. Đặc biệt, bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực tiếp tục có nhiều biến động, nên tư duy sáng tạo và tinh thần chấp nhận thay đổi sẽ quyết định đến sự thành công bền vững của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gelex Electric cho biết: “Năm nay, Điện lực Gelex tiếp tục tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp trong mảng phát điện. Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm có giá trị cao hơn, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Việc tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm xây dựng nền móng vững chắc để doanh nghiệp phát triển hơn”.