Sáp nhập để trở thành tập đoàn mía đường lớn nhất nước
CTCP đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh –SBT) - hai doanh nghiệp mía đường thuộc tập đoàn Thành Thành Công sẽ bàn phương án sáp nhập trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Đường Biên Hòa có quy mô vùng nguyên liệu hơn 23.500 ha với tổng tài sản hơn 6.685 tỷ đồng và 15.500 ha đang đầu tư, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh có quy mô hơn 25.000 ha, tổng tài sản hơn 7.790 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi nhất định thì công ty mía đường có quy mô lớn nhất Việt Nam sẽ ra đời.
Điều khiến các nhà đầu tư quan tâm nhất trong thương vụ này chính là tỷ lệ hoán đổi và tỷ lệ này vẫn chưa được công bố. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn của 2 cổ phiếu trên TTCK.
Theo giới đầu tư, tỷ lệ hoán đổi khi tính phương án sáp nhập hai doanh nghiệp dựa trên nhiều yếu tố. BHS đã tăng vốn điều lệ thành công bằng phương án phát hành tỷ lệ 1:1 và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Hiện số lượng cổ phiếu của BHS là 297.874.449 cổ phiếu; số lượng cổ phiếu của SBT đang lưu hành là 253.188.268 cổ phiếu. Trong niên độ báo cáo tài chính quý 2 năm 2016 - 2017 giá trị sổ sách của SBT là 11.600 đồng/cổ phiếu, trong khi đó giá trị sổ sách của BHS sau khi phát hành tăng vốn thành công là 11.940 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, P/B của BHS ở giai đoạn hiện tại là 1,52 lần và P/B của SBT hiện tại là 2,4 lần. Tỷ lệ hoán đổi 1:1 là khó xảy ra do sự chênh lệch lớn về P/B của hai cổ phiếu. Thực tế, để hoán đổi cổ phiếu của hai doanh nghiệp, người ta sử dụng nhiều phương pháp, tức là tổng hợp nhiều yếu tố trong đó giá cổ phiếu chỉ là thước đo về định lượng, ngoài ra còn có các lợi thế cạnh tranh về thương mại, giá trị thương mại của doanh nghiệp sắp nhập cũng như bị sáp nhập.
Đối với trường hợp của nhà Thành Thành Công, khi hoán đổi cổ phiếu BHS sang cổ phiếu SBT với sự chênh lệch về P/B như vậy, phương án hoán đổi sẽ là có lợi thế hơn cho cổ phiếu SBT. Tức là phải mất nhiều hơn 1 cổ phiếu BHS để hoán đổi lấy 1 cổ phiếu SBT. Đây là bài toán dành cho cổ đông trong Đại hội cổ đông tới đây.
Theo thị giá hiện tại, 1,5 BHS có giá bằng 1 SBT. Một tháng trước, tỷ lệ này là 2 BHS bằng 1 SBT, có lẽ vì thế nên BHS đã tăng trước SBT nhiều.
Cuộc rượt đuổi thị giá của BHS
Kể từ khi có thông tin chính thức từ phía doanh nghiệp về phương án sáp nhập thì giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này đã tăng trưởng và bám đuổi nhau liên tục trong những phiên vừa qua.
Với sự chênh lệch về thị giá như trên, mặc cho lợi nhuận quý 1/2017 niên độ 2016-2017 đạt 58,2 tỷ đồng sụt giảm nhẹ so với mức 64,4 tỷ đồng cùng kỳ của niên độ trước nhưng giá cổ phiếu BHS vẫn tăng vọt. Chỉ trong vòng một tháng kể từ đầu tháng 4/2017, giá cổ phiếu BHS đã tăng hơn 40% tính theo thị giá ngày 3/5/2017. Hiện giá cổ phiếu BHS đang giao dịch vùng 17.700 - 18.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, SBT cũng có bước tăng trưởng đáng kể khi đi từ mức 25.000 đồng/ cổ phiếu (ngày 04/04/2017) lên mức 28.000 đồng/cổ phiếu (ngày 3/5/2017) tương ứng mức tăng 12,5% sau một tháng giao dịch, đặc biệt trong 3 phiên gần nhất. Lợi nhuận sau thuế của SBT niên độ 2016-2017 tính từ 1/1 đến 31/3/2017 đạt hơn 83,4 tỷ đồng tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.
Và kế hoạch niêm yết trên TTCK Singapore
Sức hấp dẫn của 2 cổ phiếu mía đường khi về một mối không chỉ nằm ở game sáp nhập mà còn nằm ở tham vọng của đế chế mía đường Thành Thành Công. Tập đoàn này trước đó đã mua lại nhà máy mía đường của Hoàng Anh Gia Lai với công suất đạt hơn 1 triệu tấn mỗi năm, vùng nguyên liệu hơn 6.000 hect ta ngay cạnh nhà máy.
Hiện tại thị phần của Thành Thành Công chiếm hơn 30% cả nước, sau khi sáp nhập BHS và SBT và mua lại mảng mía đường của HAG thì Tập đoàn Thành Thành Công dự kiến sẽ tăng diện tích vùng nguyên liệu lên 20.000 héc ta và 6.000 héc ta mía tại Lào. Như vậy, với các lợi thế về nguồn nguyên liệu, công nghệ… thì việc cạnh tranh với các nước sản xuất mía đường trong khu vực không còn là vấn đề.
Thành Thành Công cũng đã tuyên bố sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận tối thiểu và tiêu chuẩn tài chính quốc tế. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào thực hiện được mục tiêu này.
Theo Trí Thức Trẻ
>> Tái cơ cấu Sacombank: Sự trở lại của ông Đặng Văn Thành?