Nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến phân hóa mạnh mẽ trong tuần giao dịch vừa qua với 16 mã tăng giá, 10 mã cổ phiếu giảm giá và duy nhất 1 mã đứng tham chiếu.
Trong đó, BID của ngân hàng BIDV là mã cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nhất tuần qua với mức 8,4%, tạm đóng cửa tại mức 49.850 đồng/cổ phiếu, tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới của cổ phiếu này. Trong tuần có đến 4/5 phiên cổ phiếu này tăng giá, đặc biệt ở phiên 19/1, BID tăng gần 5%.
Theo sau BID là mã cổ phiếu LPB của ngân hàng LPBank với mức tăng ấn tượng 4,8% lên mức 17.400 đồng/cổ phiếu. Kế tiếp là 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng Big 4 là VCB và CTG với mức tăng lần lượt là 4,4% và 3,5%, theo đó kết tuần tại mức giá 92.600 đồng/cổ phiếu và 32.600 đồng/cổ phiếu. Là những ngân hàng có vốn hóa lớn, 3 mã cổ phiếu BID, VCB và CTG đều là động lực chính cho VN-Index tuần qua.
Tương tự, MBB và VIB cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi tăng đến 3,3% và 3,1%, đóng cửa tuần tại mức 22.500 đồng/cổ phiếu và 20.900 đồng/cổ phiếu. Tương tự, một số mã cổ phiếu ngân hàng kết tuần trong sắc xanh là: STB (+1,3%); TCB (+0,9%); MSB (+0,7%); OCB (+0,7%); ACB (+0,6%); EIB (+0,5%); TPB (+0,3%); NAB (+0,3%); VPB (+0,3%); HDB (+0,2%).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua là KLB với mức giảm 4,5%. Tiếp đến là NVB (-3,4%); ABB (-2,6%); VAB (-2,6%); SSB (-1,5%); PGB (-1,4%); SHB (-1,2%); BVB (-0,7%); SGB (-0,5%); VBB (-0,4%).
Cổ phiếu BAB của Bac A Bank là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần giao dịch vừa qua, hiện đang dừng tại mức 12.500 đồng/cổ phiếu.
Về thanh khoản của ngành ngân hàng tuần qua, xét theo khối lượng giao dịch, toàn ngành đạt gần 1 tỷ đơn vị, tương đương với giá trị giao dịch đạt 19.916 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu MBB tiếp tục có một tuần giao dịch nhộn nhịp, dẫn đầu ngành với giá trị giao dịch đạt gần 2.400 tỷ đồng trong 5 phiên. Đứng kế sau đó là STB và SHB với thanh khoản quanh mức 2.270 tỷ đồng.
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng gom thêm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua khi mua ròng 273 tỷ đồng STB, 203 tỷ đồng VCB, 164 tỷ đồng VPB, 124 tỷ đồng BID, 64 tỷ đồng CTG. Trong khi ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất là LPB với mức 101 tỷ đồng, ngoài ra, không còn mã ngân hàng nào bị bán ròng quá 20 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, khối tự doanh bán ròng hơn 300 tỷ đồng cổ phiếu EIB, mức cao nhất thị trường, chiếm 1/2 giá trị bán ròng của nhóm này tuần qua. Bên cạnh đó, nhóm này cũng mua ròng 77 tỷ đồng STB.
Trong tuần qua, nổi bật nhất trong ngành ngân hàng trong tuần qua có lẽ là sự kiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024. Luật có một số bổ sung, thay đổi về quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản, việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm...
Một sự kiện đáng chú ý khác, SHB dự kiến sẽ bán ra 45,1 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1,25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính tiền thu về từ đợt phát hành ESOP lần này là hơn 451 tỷ đồng. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng SHB sẽ tăng lên 36.645 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tuần qua đã có nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 . Đáng chú ý, PGBank báo lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4, trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 119 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 356 tỷ, giảm 30% so với năm 2022.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 đạt 3.353 tỷ đồng, tăng tới 287% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24%. Đây là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý 4.
Saigonbank báo lãi trước thuế quý 4 đạt 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 1 tỷ. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của Saigonbank đạt 332 tỷ, tăng 40%.
BacABank cũng có kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 485 tỷ đồng, tăng 50%. Lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.036 tỷ đồng, ngang với năm 2022.
TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 là 630 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do nhà băng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của TPBank ở mức 5.589 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với năm 2022 (7.828 tỷ đồng).
BaoVietBank báo lãi trước thuế quý 4 đạt 56 tỷ đồng, nhỉnh một chút so với mức 54 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 nhà băng đạt 90 tỷ đồng, ngang với năm trước đó.