Vào giai đoạn nửa cuối năm 2023, các chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng của ngành thủy sản đang có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên các thị trường chính chưa thể phục hồi ngay trong quý 3.
Xuất khẩu u ám nửa đầu năm 2023
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, luỹ kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 690 triệu USD, giảm 40,7%, xuất khẩu tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%. Về thị trường, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 563 triệu USD, giảm tới 48,3%, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 513 triệu USD, giảm 25,7%, xuất khẩu vào EU đạt 377 triệu USD, giảm 32,5%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 giảm 28% so với cùng kỳ, đến tháng 5/2023 chỉ còn giảm 19% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, lạm phát đã hạ nhiệt, CPI giảm xuống 4,9%, cuối năm cũng là thời điểm diễn ra nhiều dịp lễ lớn.
Tuy nhiên, chỉ số hàng tồn kho/doanh thu tại Mỹ vẫn đang ở mức tương đối cao trong khi nhu cầu chưa thể hồi phục sớm do lãi suất vẫn neo ở mức cao và dự kiến tiếp tục nâng lãi suất của FED từ giờ đến cuối năm.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc mở cửa không đóng góp nhiều như kỳ vọng với kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm giảm mạnh lần lượt 68% và 30% trong 4 tháng đầu năm. Một số nguyên nhân có thể kể đến như cạnh tranh cao từ các thị trường, hàng hoá thay thế là thịt heo giảm giá, chi tiêu yếu.
Đối với thị trường EU, nhu cầu tại thị trường này đang tương đối ổn định, người dân ưa chuộng cá tra Việt Nam do giá thành rẻ và nguồn cung cá minh thái vốn là sản phẩm cạnh tranh với cá tra đang bị gián đoạn do căng thẳng chính trị.
Về nguyên liệu đầu vào, có sự sụt giảm giá ở cả tôm và cá nguyên liệu trong trong khi giá thức ăn thủy sản vẫn tăng. Tại thời điểm tháng 5/2023, giá thức ăn thủy sản bình quân đạt đỉnh là 14.900 đồng/kg và các công ty thức ăn chỉ bắt đầu giảm giá thức ăn thủy sản vào tháng 6/2023 với khoảng 300 đồng/kg
Như vậy, giá thức ăn thủy sản vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023. Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 60% giá vốn hàng bán, cùng với giá bán bình quân của ngành giảm trong nửa đầu năm 2023, kỳ vọng các công ty sản xuất trong ngành thủy sản đều có tỷ suất lợi nhuận thu hẹp, nhưng lợi nhuận vẫn có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi quý 2 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất.
Tín hiệu hồi phục chưa rõ ràng
Trong nửa cuối năm 2022, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 31% và Trung Quốc giảm 22%, trong khi giá bán bình quân sang Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ. Trong khi, sản lượng tiêu thụ đã giảm đáng kể kể từ 3/2022, thì giá bán bình quân chỉ bắt đầu giảm kể từ quý 4/2022.
Theo VASEP, bước sang nửa cuối năm 2023, thị trường vẫn cho thấy những dấu hiệu của sự phục hồi ngành cá tra, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý 3, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại và chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha, các thị trường Trung Đông.
Bên cạnh đó, cuối quý 2/2023 là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm, đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ. Đồng thời, hiện nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung nên việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.
Công ty Chứng khoán KB cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khá chậm và mức tồn kho tăng cao sẽ kéo theo triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn. Thế nhưng trong 6 tháng cuối năm, các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra có thể sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận có thể cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí sản xuất cũng như chi phí vận chuyển giảm.
Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp thuỷ sản đều có mức nền khá cao từ năm 2022, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành này được dự báo tiếp tục ảm đạm trong quý 2 và cả quý 3.
Theo các chuyên gia phân tích, trong thời điểm hiện tại, các mã cổ phiếu ngành thủy sản đều đã về vùng định giá hợp lý nhưng chưa thực sự hấp dẫn, một vài cổ phiếu đã có mức tăng tương đối từ đáy phản ánh các kỳ vọng hồi phục trong cuối năm. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành như VHC, ANV cho mục tiêu dài hạn.