Nhu cầu vận chuyển hàng hóa suy giảm kéo theo sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khối ngành cảng biển. Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi cũng đã bắt đầu nhen nhóm.
Khó khăn bao trùm ngành vận tải biển
Theo chứng khoán KB Việt Nam, các doanh nghiệp khối ngành cảng biển vào quý tới sản lượng vẫn chưa thể hồi phục trong ngắn hạn. Nguyên nhân đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của đa số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Điều này, kéo theo sức tiêu dùng giảm mạnh, xuất nhập khẩu tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực phía Nam khi mà cầu từ thị trường Mỹ suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng thông qua cảng. Ngoài ra, sự sụt giảm về cầu dịch vụ cảng biển gia tăng cạnh tranh, có nguy cơ ảnh hưởng đến mức giá dịch vụ cảng vốn đang thấp sẵn tại Việt Nam.
Số thống kê của Cục Hàng Hải trong quý 1/2023 cho thấy, tổng thông lượng container cả nước đạt 5,18 triệu TEU, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó thông lượng xuất khẩu giảm 8%, nhập khẩu giảm 18% và nội địa giảm 17%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa container đường biển ước giảm 12% xuống 74 tỷ USD.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa lần lượt ước đạt 136,17 tỷ USD (giảm 5,9%) và 126,37 tỷ USD (giảm 17,9%). Sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước cũng giảm tương ứng.
Riêng tại khu vực cảng Hải Phòng trong 5 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt 56,29 triệu tấn giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 22 triệu tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Thương mại của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động gia công của các doanh nghiệp FDI, giá trị trên đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh cũng khiến cho giá trị hàng hóa nhập khẩu giảm sâu. Giá trị nhập khẩu ước tính của hàng hóa container thông qua đường biển đạt 31 tỷ USD (giảm 15% so với cùng kỳ). Các loại hàng hóa trên toàn cầu có xu hướng giảm giá, thông lượng container xuất khẩu của Việt Nam giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 1,76 triệu TEU trong 3 tháng đầu năm.
Trong quý 1/2023, các doanh nghiệp cảng biên như GMD, VSC, PHP đều ghi nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ, kéo theo đó lợi nhuận ròng cũng giảm đáng kể do sản lượng hàng hóa giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao.
Cụ thể, Gemadept (mã chứng khoán: GMD) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3 tháng đầu năm đạt 202 tỷ đồng giảm 26% so với quý cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do sự suy giảm từ khoản lãi công ty liên doanh giảm 83% xuống 21 tỷ đồng trong quý 1/2022 trả 126 Tỷ đồng.
Đồng cảnh ngộ, lợi nhuận của Container Việt Nam (Viconship - mã chứng khoán: VSC) giảm 61% so với cùng kỳ khi các chi phí đồng loạt gia tăng. Hoạt động kinh doanh quý 1/2023 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC - mã chứng khoán: MVN) cũng tiếp tục ảm đảm khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.849 tỷ giảm 12,7%, lợi nhuận trước thuế giảm 37% khi chỉ đạt 485 tỷ đồng.
Duy có lợi nhuận của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco - mã chứng khoán: VOS) tăng 30% so với cùng kỳ, tính đến hết quý 1/2023 công ty đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu, 39% mục tiêu lợi nhuận năm.
Dòng tiền rục rịch bắt đáy
Khó khăn là thế. Nhưng các cổ phiếu cảng và vận tải biển lại có mức tăng giá từ 10 đến 20% trong tháng qua.
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển đang ghi nhận xu hướng tăng tích cực từ đầu tháng 6. Từ phiên 1/6 đến nay, cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng 17% lên mức 47.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VGR của Cảng Xanh Vip tăng 14% từ 35.100 đồng/cổ phiếu lên mức 40.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng cũng tăng 14% từ 20.700 đồng/cổ phiếu đến 23.600 đồng/cổ phiếu. Các doanh nghiệp khác ngành cảng biển cũng có thị giá cổ phiếu tăng nhẹ gần đây là: CLL, GMD, TCL...
Nhìn chung, cổ phiếu vận tải biển có dấu hiệu phục hồi nhẹ khi dòng tiền tin rằng ngành này đã chạm đỉnh "khó khăn". Trong 2 quý đầu năm 2023, giá cước giao ngay đã có xu hướng giảm tốc và đi ngang sau hơn 1 năm giảm giá liên tục về mức trước Covid-19 trong khi đó giá cho thuê định hạn sau khi giảm mạnh vào quý 1 đã phục hồi tăng vào đầu quý 2 và đang có xu hướng đi ngang.
Một số yếu tố khó khăn các doanh nghiệp vận tải biển phải đối mặt bao gồm: nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn do sức mua giảm sút trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, các đơn đặt hàng đóng mới tàu container trong 10 quý vừa qua tăng cao đạt kỷ lục 7,54 triệu TEU gây áp lực dư cung, tăng cạnh tranh và quy định giảm phát thải carbon từ tàu của IMO sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả khai thác đội tàu của các công ty có nhiều tàu cũ.
Trong năm 2023, Tập đoàn Adani tới Việt Nam cùng cam kết đầu tư lâu dài với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng... điều này đã tác động lớn tới cổ phiếu ngành logistics cũng như các cổ phiếu khác trong nhóm cảng biển, mang tới những triển vọng mới trong nhóm ngành này.