Còn gì chưa biết về siêu dự án Usilk City?

Dự án KĐT Văn Khê mở rộng (Usilk City) từ khi được cấp phép, triển khai tới khi “bất động” thời gian dài là hệ quả của việc đầu tư dàn trải đến từ chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long (SĐTL) yếu kém.
Còn gì chưa biết về siêu dự án Usilk City?

Trong đó, cũng cần nhắc tới vai trò của “mắt xích” Sông Đà Nha Trang trong quá trình huy động vốn và Hải Phát Thủ đô – giữ vai người giải cứu.

Sông Đà Nha Trang: cánh tay nối dài của SĐTL

Để tìm nguồn tiền “rót” vào dự án Usilk City, chủ đầu tư – công ty CP Sông Đà Thăng Long (SĐTL) đã huy động từ nhiều nguồn như: thu từ khách hàng ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng bán nhà; vay tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu DN… Không chỉ vậy, Sông Đà Nha Trang (SĐNT – đơn vị thành viên của SĐTL) cũng góp phần đắc lực vào qúa trình này.

Cụ thể, thông qua hợp đồng hợp tác (tháng 10/2008) ký giữa SĐTL và SĐNT; kèm theo một số phụ lục Hợp đồng về đầu tư xây dựng chung cư CT2 – 105 của Usilk City, SĐNT đã được quyền huy động vốn hợp pháp để đầu tư xây dựng. Năm 2010-2011, SĐNT ký hợp đồng mua bán nhà (tòa CT2-105) với 185 khách hàng. Theo đó, tổng giá trị các hợp đồng này đạt gần 664,233 tỷ đồng (đã thu của khách hàng xuýt soát 281,260 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ và không bàn giao nhà đúng hạn, nhiều khách hàng đã làm đơn xin hủy hợp đồng. Từ đây, SĐNT đã thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho khách hàng (số tiền khoảng 29,5 tỷ đồng) - đồng nghĩa, SĐNT còn “nắm” số tiền thu của khách hàng chừng 251,8 tỷ đồng. Chưa hết, bằng việc ký hợp đồng góp vốn với 27 khách hàng, SĐNT đã thu khoảng 41,32 tỷ đồng. Sau khi trả lại tiền cho 14 khách hàng, SĐNT đứng trước trách nhiệm phải trả ngót 31 tỷ đồng cho những khách hàng cho vay vốn còn lại.

Cộng các khoản nêu trên, SĐNT đã thu số tiền khoảng 282,680 tỷ đồng. Theo tài liệu của Dân Việt có được, nhằm thực hiện thỏa thuận (với SĐTL) về huy động vốn để đầu tư xây dựng tòa CT2-105, SĐNT đã ký hợp đồng với một số nhà thầu phụ thi công.

Chỉ tính đến 31/3/2016, SĐNT đã ký nghiệm thu quyết toán với các nhà thầu phụ số tiền khoảng 424,104 tỷ đồng. Cũng tính đến thời điểm trên, SĐTL đã thanh toán cho SĐNT 274,824 tỷ đồng. Đến đây, tổng số tiền mà SĐNT đã thu của khách hàng (từ các hợp đồng vay vốn, hợp đồng bán nhà) và được thanh toán từ SĐTL lên tới 557,504 tỷ đồng - khoản tiền này được SĐNT dùng thanh toán cho các nhà thầu phụ thi công và còn lại là chuyển về cho SĐTL …vay phục vụ dự án (gần 304 tỷ đồng tính đến 31.3.2016).

Hải Phát được gì từ vũng lầy Usilk City?

Như đã phản ánh, việc sử dụng phần lớn số tiền bán nhà thu được tại Usilk City, tiền vay các tổ chức tín dụng để đầu tư vào các dự án BĐS khác, mua trang thiết bị, đầu tư vào các công ty con…. của SĐTL là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ kéo dài của dự án Usilk City.

Theo báo cáo tài chính của SĐTL, đến 31/12/2015, lỗ lũy kế của SĐTL lên tới 2.384 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm khoảng 2.205 tỷ đồng. Đáng chú ý, SĐTL nợ các tổ chức tín dụng, cá nhân (nợ ngắn hạn, dài hạn) 3.042 tỷ đồng nợ gốc (các khoản nợ này được xếp vào nhóm 4,5 - tức nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). Ngoài ra, tính đến 31/3/2016, lãi và phạt chậm trả tại 5 tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng T, MBBank, Tổng công ty Bảo hiểm PVI; An Bình Bank, Ngân hàng Đầu tư) đạt ngưỡng 893.445.856.446 đồng.

Chưa hết, SĐTL nợ xây dựng khoảng 100 tỷ đồng; nợ tiền thuế và phạt chậm nộp 403 tỷ đồng (tài sản của SĐTL hầu hết được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay). Được biết, một số tổ chức tín dụng và một số chủ nợ đang tiến hành các bước khởi kiện ra Tòa án và tiến hành xử lý các tài sản đảm bảo của SĐTL.

Trong các động thái “chữa cháy” (nhằm hoàn thành dự án Usilk City) của SĐTL (như tái cơ cấu, hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án BĐS ở tỉnh thành khác để hợp tác đầu tư hoặc thoái vốn), đáng chú ý có việc SĐTL thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hải Phát Thủ đô (HPTĐ).

Không chỉ ghi nhận bản hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án Usilk City (tòa CT2-105) ngày 14.10.2015 từ SĐTL sang HPTĐ, 2 bên còn đi đến thỏa thuận chuyển nhượng đối với các hạng mục công trình như: tòa CT1-104 (ký tháng 1.2016) và CT4-108 (2 bên đồng thuận để HPTĐ nhận chuyển nhượng và đầu tư tiếp).

Về phần việc còn “dang dở” của một số tòa thuộc dự án, SĐTL và HPTĐ cũng đã ký Hợp đồng Tổng thầu ngày 23.3.2016 (đối với các phần việc còn lại của các tòa 101, 102, 103 thuộc cụm CT1) và Hợp đồng Tổng thầu EPC với các tòa 106, 107 thuộc cụm CT3).

Dễ hiểu, đổi lại việc HPTĐ nhảy vào “giải cứu” trên diện rộng dự án Usilk City, SĐTL đã phải “nhả” một số dự án “con cưng” của mình cho đối tác. Theo tài liệu của Dân Việt, nhằm tạo dòng vốn cho HTPĐ nhận thực hiện tổng thầu EPC đối với các tòa 106, 107 cụm CT3; nhận chuyển nhượng CT1-104, SĐTL đã ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư tại lô TM1, hợp đồng chuyển nhượng lô đất HH3 tại dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập, TP Nha Trang (dự án đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý và đem lại hiệu quả) với HPTĐ.

Tuy nhiên, ở việc kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm tại CT2-105, HPTĐ vẫn chưa thể đạt được tiếng nói chung với khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà- trước khi bàn về các phần việc khác tại Usilk City hay xa hơn là khai thác các dự án “béo bở” nhận chuyển nhượng từ SĐTL.

Theo Thái Bình/ Dân Việt

Có thể bạn quan tâm

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…