Công ty GVR lên kế hoạch lãi 4.264 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 3% trong năm 2023

Ngày 16/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận năm 2022…
công ty GVR

Cụ thể, cổ đông GVR đã thông qua mục tiêu doanh thu và thu nhập khác là 27.527 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 11% với 4.264 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty GVR, kế hoạch kinh doanh năm 2023 được đặt ra trong bối cảnh doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá bán mủ cao su – mặt hàng chủ lực của công ty liên tục suy giảm và khó tiêu thụ.

Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên khu vực này dự báo sẽ có tăng trưởng so với kế hoạch được giao nhưng không lớn.

Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong GVR. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn. Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương…liên tục tăng.

Về phương án phân chia lợi nhuận, đại hội đồng thuận chia cổ tức cho năm 2022 là 3,5%/vốn điều lệ, tương ứng 1.400 tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ này là 3%, tương ứng 1.200 tỷ đồng.

Năm nay, tổng mức đầu tư dự kiến của công ty mẹ là 1.581 tỷ, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ, trong đó 1.203 tỷ đồng là đầu tư tài chính ngắn hạn, số còn lại là đầu tư xây dựng cơ bản. Nguồn vốn lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Năm 2022, GVR thu về 885 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay, đóng góp gần 20% vào lợi nhuận sau thuế.

công ty GVR

Chia sẻ về tình hình chuyển đổi đất cao su tại hai thành viên là Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR), ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng quản trị cho biết DPR đang hoàn tất thủ tục để mở rộng hai Khu công nghiệp Nam Đồng Phú và Bắc Đồng Phú.

Đối với PHR, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã xong, riêng Khu công nghiệp Tân Lộc 1 đang nằm trong danh mục xúc tiến thủ tục và cố gắng nhanh nhất có thể. Đến thời điểm này các thủ tục đã đỡ được các vướng mắc.

Về quy trình phê duyệt chuyển đổi đất cao su thành Khu công nghiệp bị chậm lại trong những năm gần đây, ông Thành cho rằng, về cơ chế chuyển đổi liên quan đến đất đai thì thời gian qua không riêng gì từ đất cao su qua Khu công nghiệp mà tất cả đất khác đều vướng và chồng chéo giữa các luật.

Một số yếu tố phụ thuộc có thể kể đến như kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất 5 năm, 10 năm… nhiều địa phương không tiên liệu trước sự phát triển của Khu công nghiệp dẫn đến khi có nhu cầu phải làm lại toàn bộ thủ tục khiến thời gian kéo dài rất nhiều.

Trước đây, khi chuyển đổi đất nông lâm trường phải thay đổi phương án sử dụng đất thì với Nghị định 10 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đầu năm 2023 thì đã tháo gỡ được vướng mắt này, công ty không còn phải thay đổi phương án sử dụng đất khi thực hiện quy hoạch địa phương.

Về kế hoạch chuyển đổi đất cao su thành Khu công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2030 tại các địa phương là chuyển đổi khoảng 40.000 ha đất cao su qua các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đến năm 2025, công ty GVR đặt mục tiêu chuyển đổi được 7.000 – 8.000 ha.

Với 8 dự án hiện tại, công ty đang có 2.900 ha, do đó hy vọng có thể triển khai thêm dự án vào cuối năm 2023, phần còn lại sẽ thực hiện vào năm 2024. Giai đoạn 2024 - 2025, công ty sẽ lo các thủ tục khác để đến cuối 2025 có được 7.000 - 8.000 ha như kế hoạch.

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, ông Thành cho biết đây là một trong những định hướng phát triển của công ty GVR trong đề án tái cơ cấu 2021 - 2025. Công ty GVR đã trình các cấp thẩm quyền về việc xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho chính các công nhân cao su cũng như các Khu công nghiệp mà công ty làm chủ đầu tư. Trong tương lai khi thực hiện các dự án Khu công nghiệp, công ty sẽ thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

công ty GVR

Trong cơ cấu doanh thu của công ty GVR, mảng bán mủ cao su chiếm tỷ trọng nhiều nhất, kế đến là chế biến gỗ cao su, tiếp theo là công nghiệp cao su, khu công nghiệp ,... Tuy nhiên mảng cao su còn gặp nhiều khó khăn và biên lợi nhuận còn thấp.

Về nhu cầu tiêu thụ cao su, dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải. Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao.

Hiện tại giá cao su đang thấp, sức tiêu thụ hàng cao su của tập đoàn vẫn ổn. Hàng vẫn bán được và vẫn có dòng tiền. Đại diện GVR dự báo, từ đây đến cuối năm 2023, giá cao su sẽ khó có thể tích cực và kỳ vọng 2024 trở đi sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cả cao su sẽ đi lên.

Về kế hoạch thoái vốn tại các công ty thành viên để giảm tỷ lệ sở hữu chéo, ông Phạm Văn Thành cho rằng đây là vấn đề khá lớn, từ 2020 – 2021, công ty GVR đã nêu vấn đề này. Đối với các công ty cao su, từ nay đến 2025 thoái vốn rất khó khăn do trở ngại trong việc định giá vì có liên quan đến giá đất, trong khi quy định về định giá đất thuê trả tiền hằng năm lại chưa rõ ràng.

Do đó giai đoạn 2024 - 2025, tập đoàn sẽ chưa thoái vốn tại các công ty cao su thành viên. Nếu quy định luật đất đai thay đổi rõ ràng hơn, công ty GVR sẽ xin sáp nhập, chuyển nhượng vốn tại các đơn vị này.

công ty GVR
 Diễn biến giá cổ phiếu GVR trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu GVR ghi nhận ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa doanh nghiệp trên thị trường vào khoảng 71.200 tỷ đồng. 

Có thể bạn quan tâm