Mặt đất Sài Gòn vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, theo đó, doanh thu đạt 365,3 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước, với nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp đến từ các dịch vụ hàng không, đạt 359 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính ghi nhận tăng tới 260% lên 18 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi tăng. Kết quả, công ty thu về 95,7 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, tăng 54,3%, đồng thời khiến cho chỉ số EPS tăng từ 1.449 đồng lên 2.232 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt được kể từ quý 4/2019.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận quý này là do sản lượng khai thác của các hãng hàng không quốc nội và quốc tế tiếp tục tăng. Công ty cũng đã ký kết được thêm hợp đồng phục vụ cho một số khách hàng mới, điều chỉnh tăng phí dịch vụ với một số khách hàng hiện tại. Ngoài ra, công ty con SAGS - CXR đã có lãi trở lại so với khoản lỗ của cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, SNG thu về 694,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 70,9% so với cùng kỳ; lợi sau thuế đạt 130,1 tỷ đồng, 65,3%.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, SGN đã hoàn thành đã hoàn thành 54,3% kế hoạch doanh thu và 65,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Nếu như các doanh nghiệp trong thời điểm này đang lao đao về vấn đề tài chính thì SGN lại khá rủng rỉnh khi tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt 1.258 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, tổng nợ là 352 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 905 tỷ đồng và không có nợ vay tài chính.
Ngoài ra, lượng tiền mặt và tiền gửi là gần 630 tỷ đồng, chiếm một nửa tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn là 395 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là khoản phải thu Viejet và Bamboo Airways, lần lượt đạt 181 tỷ đồng và 72,6 tỷ đồng.
Được biết, Ngày 1/6, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) công bố mua vào gần 2,6 triệu cổ phiếu SNG, với tổng giá trị là 72,52 tỷ đồng. Qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% vốn lên 7,6% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây.
Nhưng chỉ 1 tháng sau, vào ngày 7/7, Him Lam đã quyết định bán 980.000 cổ phiếu. Điều đáng nói, giá bán ra đúng bằng giá thị trường mua vào.
Theo cơ cấu cổ đông của SGN tính đến hết quý 2/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (mã: ACV) là cổ đông lớn nhất với hơn 16,1 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 48,1% vốn; tiếp đó là Công ty Cổ phần chứng khoán SSI chiếm 17,58% vốn với 5,8 triệu cổ phiếu; Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet chiếm 9,13% vốn với 3 triệu cổ phiếu,...
Dù đã bán 980.000 cổ phiếu, nhưng Him Lam vẫn chiếm 4,8% vốn, tương đương 1,5 triệu cổ phiếu và đứng thứ 5 trong danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn.
Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn có tiền thân là Trung tâm dịch vụ Hàng không, đến ngày 01/01/2015, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP.