CSR trong các FTA: Kiến nghị về giải pháp thực hiện

Để tăng cường TNXH của các DN (doanh nghiệp) Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN, đồng thời phải có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các DN.

Để tăng cường TNXH của các DN (doanh nghiệp) Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN, đồng thời phải có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các DN.

Những khuyến nghị từ chuyên gia

Đưa ra những giải pháp cụ thể, Thạc sỹ Phùng Thị Yến, Giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương cho rằng chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng các quy định pháp luật bằng cách áp dụng quy trình đánh giá tác động của văn bản luật (RIA) trong quá trình lập quy. RIA giúp xác định giải pháp lập quy có phải là giải pháp cần thiết, hợp lý. Nếu có, RIA sẽ tìm ra mức độ lập quy phù hợp nhất để đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Một khi văn bản luật có tính chính xác cao, hiệu lực của các văn bản cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước nhất thiết phải tăng cường trách nhiệm thực thi luật trong lĩnh vực của mình.

Bên cạnh đó cách thức xây dựng các hiệp hội cần được đổi mới. Việc tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của các quan chức nhà nước sau nghỉ hưu như nhiều hiệp hội hiên nay là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải là ở cuơng vị lãnh đạo. Lãnh đạo các hiệp hội nên là những người đã gắn bó nhiều năm với thành viên từ cơ sở. Có như vậy, họ mới đấu tranh một cách nhiệt tình, thẳng thắn cho quyền lợi của thành viên hiệp hội.

Tiếp đến, theo Thạc sỹ Yến cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện các chương trình truyền thông, quảng cáo phi lợi nhuận cho các mục đích nhân đạo, từ thiện. Điều này rất phổ biến ở các nước phát triển và hiện nay, đang được áp dụng cho nhiều nước ở khu vực Đông Á. Các đài truyền hình, truyền thanh ở nước ta vẫn thuộc sở hữu nhà nước, do đó, Chính phủ có thể chỉ đạo các đài này dành một tỷ lệ nhất định trong thời lượng quảng cáo hàng ngày miễn phí cho các mục tiêu công cộng, kể cả mục tiêu đó do các doanh nghiệp khởi xướng và thực thi.

Vẫn theo Thạc sỹ Yến, địa vị của người đóng thuế cần được nâng cao. Vinh dự đi đôi với trách nhiệm. Cần có những bảng xếp hạng các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất, các cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất. Họ xứng đáng nhận được sự vinh danh của xã hội, vì đó là một trong những biểu hiện bề nổi của việc thực hiện tốt CSR vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Cuối cùng, Thạc sỹ Yến cho rằng nhà nước cần nhanh chóng tập trung hoàn thiện luật và tính hiệu lực của luật trong việc thực thi luật. Các trách nhiệm ngoài luật (đạo đức, từ thiện), cơ chế tự nguyện cần được khuyến khích, vinh danh, vì đó là sự đóng góp của các doanh nghiệp với cộng đồng xã hội. Nhà nước không nên bắt buộc các doanh nghiệp phải làm từ thiện, nhân đạo, mà chỉ nên gián tiếp tác động thông qua các tổ chức, hiệp hội, mạng lưới cộng đồng, giáo dục… để nâng cao ý thức thực hiện CSR.

Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì?

Để tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và trong thời gian tới, trước hết là tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước, cụ thể là đối với thị trường, người tiêu dùng, người lao động và vấn đề bảo vệ môi trường, nhà nước cần thực hiện tốt các biện pháp: Tăng cường tuyên truyền đối với các doanh nghiệp về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện CSR. Trong đó tập trung tuyên truyền nội dung của việc thực hiện CSR, các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan phải được phổ biến đầy đủ và rõ ràng đến các doanh nghiệp.

Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan đến CSR nói chung, trách nhiệm đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường nói riêng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khác có liên quan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ được coi trọng và trở nên cấp thiết khi có cơ chế giám sát đồng bộ, có sự kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng dân sự trong xã hội, đặc biệt là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, báo chí.

Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Hoàn thiện cơ chế đảm bảo sự tham gia của các tổ chức xã hội, sự giám sát của nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện CSR ở Việt Nam hiện nay. Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Song song đó cũng nên có các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các doanh nghiệp tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng trách nhiệm xã hội, thương hiệu "xanh", cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng...

Đối với các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về việc thực hiện CSR, đặc biệt là đối với đội ngũ các nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức kinh doanh hay các hoạt động từ thiện theo cách hiểu mang tính truyền thống; không phải là các hoạt động đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí mà không đem lại lợi ích kinh tế, ngược lại, thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện CSR theo ý nghĩa đầy đủ và đích thực không phải là một vấn đề đơn giản và nằm trong khả năng giải quyết tức thì của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bởi sự hạn chế của nhận thức, của các yếu tố nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực trình độ cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình phù hợp trong việc từng bước thực hiện những nội dung trách nhiệm xã hội không chỉ phù hợp với các chuẩn mực chung, mà còn được các chủ thể có liên quan chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...