CSR trong các FTA: Những thách thức đối với doanh nghiệp khi thực thi các cam kết về lao động

Trước nhiều khó khăn sẽ phải đối mặt trong những cam kết về lao động trong các FTA đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng cải thiện về điều kiện lao động, bảo đảm quyền của người lao động nhằm tuân thủ yêu cầu của hội nhập và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Hàng loạt khó khăn nhìn từ EVFTA và CPTPP

Đánh giá độ tác động của các cam kết lao động trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), nhiều chuyên gia lo ngại việc vi phạm về các tiêu chuẩn lao động, mà phổ biến nhất là người lao động làm thêm quá số giờ quy định; doanh nghiệp thực hiện không đúng về nghỉ tuần, nghỉ lễ... Bên cạnh đó là môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động đa số các doanh ở Việt Nam nghiệp không đầu tư và chủ động áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, chưa hỗ trợ lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ...

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn thi thực thi những cam kết về lao động trong các FTA
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn thi thực thi những cam kết về lao động trong các FTA

Ngoài ra, trong quá trình tham gia EVFTA Việt Nam còn phải chịu thêm “áp lực” đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo, cải thiện chất lượng lao động do chiến lược khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện việc làm cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với EVFTA có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, song song đó hai FTA này đều yêu cầu các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Nói cách khác, các FTA thế hệ mới yêu cầu các quốc gia tham gia phải điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp với tám công ước của ILO.

Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của ILO. Các công ước Việt Nam chưa phê chuẩn bao gồm công ước 87 (Tự do liên kết), công ước 98 (Quyền thương lượng tập thể) và 105 (Chống lao động cưỡng bức).

Việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA có nghĩa là Việt Nam sẽ phải cân nhắc thông qua ba công ước còn lại và lồng ghép vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, Việt Nam có một thỏa thuận song phương với Mỹ, trong đó có những yêu cầu rất chi tiết như sửa điều khoản nào trong luật hiện nay, thêm bao nhiêu thanh tra lao động... và có mốc thời gian cụ thể để thực hiện cam kết đó. Thậm chí, còn có cả chế tài nếu Việt Nam không thực hiện đúng cam kết. Trong khi đó, CPTPP và EVFTA không yêu cầu chi tiết như vậy. Những FTA này chỉ yêu cầu Việt Nam và các quốc gia thành viên khác phải tuân thủ công ước lao động cốt lõi của ILO và phải sửa luật pháp quốc gia sao cho phù hợp. Còn hiểu thế nào là phù hợp thì CPTPP và EVFTA không quy định chi tiết.

Những việc cần làm ngay!

Việt Nam tham gia các FTA là thể hiện sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của mình. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần có cái nhìn hiện đại về nhân sự và quan hệ lao động theo quan điểm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm quyền của người lao động nhằm tuân thủ yêu cầu của hội nhập và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhận xét về vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tiến trình hội nhập về lĩnh vực lao động, Việt Nam đã có một hệ thống chính sách, pháp luật về lao động tương đối đầy đủ, cũng như đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo Thạc sỹ Phùng Thị Yến, Giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Đã có hàng nghìn cuộc đình công kể từ giữa những năm 1990 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người lao động không cảm thấy quyền lợi và mối quan tâm của họ được giải quyết và quy trình xử lý vấn đề không hiệu quả. Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở lại là quản lý cấp cao của doanh nghiệp, điều không thể chấp nhận được tại hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay. Quyền công đoàn là quyền của người lao động, và công đoàn là tổ chức của người lao động, không bị giới sử dụng lao động can thiệp.

Do vậy, Thạc sỹ Yến cho rằng Việt Nam cần tiến tới phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại - Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam đã cam kết thực hiện điều này thông qua chương phát triển bền vững của EVFTA.

Hội nhập quốc tế với các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều việc làm hơn nhưng chưa chắc đã đem lại việc làm tốt hơn, với thu nhập đủ sống trong điều kiện an toàn hơn cho người lao động. Do đó, để đảm bảo quan hệ lao động và điều kiện lao động tốt hơn thì bản thân cải cách nội bộ trong toàn bộ hệ thống lao động của Việt Nam phải tiếp tục, thậm chí phải đẩy nhanh hơn, nếu không thì lực lượng thị trường quá mạnh, đẩy điều kiện lao động càng ngày càng đi xuống. Khi đó, lợi ích mang lại từ FTA này đại đa số sẽ chảy vào túi các nhãn hàng nước ngoài, thậm chí các nhà máy của Việt Nam cũng được hưởng lợi rất ít. Việc sửa đổi pháp luật về lao động và đổi mới hệ thống quan hệ lao động phù hợp với Tuyên bố 1998 của ILO và bối cảnh của Việt Nam chắc chắn sẽ giúp ích cho vấn đề này!.

Có thể bạn quan tâm