Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, Thành phố đã có quy hoạch chung, nhưng cần sớm có quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 của các vùng. Không phải là vấn đề vốn, không phải là suất đầu tư, điều doanh nghiệp cần nhất là đất đai. Vì thế, Thành phố cần có cơ chế để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Thực tế tại các dự án cho thấy, doanh nghiệp khá khó khăn trong tiếp cận đất đai. Chẳng hạn Dự án Trang trại bò sữa của Vinamilk có diện tích 124 ha, được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ quý II/2017, nhưng đến nay vẫn chưa xong mọi thủ tục pháp lý về đất.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sau khi được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, Công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào ngày 20/11/2017. Tuy nhiên, đến nay chưa giải quyết xong thủ tục về đất đai vì không rõ là được giao đất trực tiếp hay đấu giá.
“Công ty rất muốn triển khai đầu tư sớm dự án, nhưng chờ giải quyết thủ tục pháp lý về đất quá lâu, gây không ít khó khăn, tốn kém không cần thiết”, ông Khoa nói.
Ông Phan Hiền Lương, Phó giám đốc Nhà máy Đông dược GMP (Công ty cổ phần Dược Danapha) cũng cho rằng, khó khăn nhất là vấn đề đất đai. “Doanh nghiệp trồng dược liệu muốn thuê đất 20 năm và diện tích từ 5 ha trở lên để tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước thì gặp vướng mắc với quy định người dân chỉ được cho thuê đất không quá 2 năm và với chính quyền huyện là không quá 5 năm”, ông Lương nêu bất cập.
Tăng quyền chủ động cho địa phương
Theo ông Đặng Phú Hành, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ đề xuất Thành phố cho cơ chế được chủ động làm việc với các doanh nghiệp thực hiện các dự án có quy mô dưới 5 ha để tạo điều kiện cho các nhà đầu đầu tư sớm đi vào sản xuất; đồng thời đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, điều chỉnh các điều kiện để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai - tỉnh đối tác đang cung cấp 25% tổng sản lượng rau về chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) gợi ý, doanh nghiệp muốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì nên tham khảo cách của tỉnh Lâm Đồng đang làm, tức là hợp tác, liên kết với người nông dân sở hữu đất sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, người nông dân trực tiếp sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật doanh nghiệp đặt ra.
Còn PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gợi mở cách thức tiếp cận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng theo hướng đầu tư ở đô thị, khác hẳn bản chất đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở nông thôn; bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng tập trung vào khoa học nông nghiệp.
“Đà Nẵng có tài nguyên du lịch rất lớn, vì thế, Đà Nẵng cần phải có chiến lược về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hướng đến du lịch. Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng đồng thời là sản phẩm du lịch”, ông Thiên nói.
1.500 tỷ đồng là số vốn kêu gọi đầu tư vào 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Đà Nẵng, gồm: dự án chăn nuôi và chế biến gia súc, gia cầm tập trung (heo và gà); sản xuất rau an toàn; trồng cây dược liệu; sản xuất giống nấm và thương phẩm nấm ăn, nấm dược liệu; cảng cá Thọ Quang. Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 440 ha. |