Đại gia đứng sau cú bắt tay với Tổng công ty Chè Việt Nam biến "đất vàng" nhà nước thành của tư nhân

Thông qua việc liên doanh, liên kết, chuyển nhượng,... với Tổng công ty Chè Việt Nam, vị đại gia nọ đã âm thầm sở hữu một loạt khu đất công sản của Tổng công ty này. Đây đều là những mảnh đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM.

Đại gia đứng sau cú bắt tay với Tổng công ty Chè Việt Nam biến "đất vàng" nhà nước thành của tư nhân

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 thành viên HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam để điều tra do liên quan vụ thoái vốn khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Ngoài ra, Tổng công ty này còn bị Thanh tra Chính phủ ra chỉ ra hàng loạt sai phạm khác tương tự như 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trong đó có liên quan tới một loạt doanh nghiệp của đại gia Cao Minh Sơn.

"KỸ THUẬT" THÂU TÓM "ĐẤT VÀNG" CỦA ĐẠI GIA CAO MINH SƠN

Theo Kết luận Thanh tra ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, các công ty của đại gia Cao Minh Sơn liên quan tới 4/12 khu đất được Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Tổng công ty Chè đem đi góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất, thoái vốn, chuyển nhượng giá trị đầu tư. Từ đó, biến đất công sản thành đất tư nhân và không hề thông qua đấu giá, vi phạm các quy định của pháp luật.

Bốn khu đất này gồm có: 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), 1.500m2 tại đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), 92 Võ Thị Sáu (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và 59 An Bình (Quận 5, TP.HCM).

Cụ thể, tại khu đất "vàng" số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích hơn 60m2 do Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng với Sở Tài nguyên & Môi trường thuê có thu tiền thuê đất hằng năm. Đến năm 2009, Ban giám đốc Tổng công ty này đã đem cơ sở nhà, đất này đi góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng quản trị Tổng công ty Chè có Nghị quyết về việc thoái vốn đầu tư tại 25D Cát Linh. Điều đáng nói, đến thời điểm thanh tra, khu đất "vàng" này do Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh đang quản lý, sử dụng. Như vậy, cơ sở nhà, đất 25D Cát Linh đã được Tổng công ty Chè Việt Nam chuyển nhượng lại cho Nhật Minh.

Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty Nhật Minh này là một trong những công ty con của doanh nhân Cao Minh Sơn.

Tương tự, khu đất có diện tích 1.500 m2 tại Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) thuộc quản lý của Tổng công ty Chè cũng đã “vào tay" Công ty Sông Châu.

Lúc đầu, khu đất này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư phát triển chè liên doanh với đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng Trung tâm đấu giá chè và khách sạn quốc tế Hương Trà. Nhưng do không thực hiện được liên doanh nên Hội đồng quản trị Tổng công ty đã ra Nghị quyết 368 chuyển nhượng dự án, trong đó có phần vốn góp của Tổng công ty cho Công ty Sông Châu.

Đến thời điểm thanh tra, khu đất này đang do Công ty Sông Châu quản lý, sử dụng.

Được biết, ông Sơn là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của công ty này. Đây là doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam, với số vốn điều lệ hiện là 30 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay vẫn không thay đổi.

Ngoài ra, thửa đất số 59 An Bình (phường 6, quận 5, TP.HCM) có diện tích 490 m2 cũng bị chuyển nhượng cho 1 công ty con của ông Cao Minh Sơn với hình thức tương tự như 25D Cát Linh và Trần Khát Chân.

Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2011, Tổng công ty Chè (lúc này vẫn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn) đã ký các hợp đồng góp vốn bằng giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 59 An Bình và Công ty Nhật Minh. Tuy nhiên, tất cả các hợp đồng ký kết này đều không có ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.

Đến khi thanh tra, diện tích đất này đang do Công ty Nhật Minh quản lý, sử dụng. Theo tìm hiểu của Thương gia, ông Cao Minh Sơn đang là Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của công ty, đồng thời nắm giữ tới 88% cổ phần tại công ty này.

Chưa hết, vẫn nhờ vào mối quan hệ thân thiết giữa mình và Tổng công ty Chè, đến năm 2014, ông Cao Minh Sơn tiếp tục ký hợp đồng thuê 244,4 m2 đất của Tổng công ty Chè Việt Nam. Theo đó, pháp nhân thực hiện giao dịch này là Công ty Cổ phần Sông Châu.

Trong khi, đây là đất do Công ty Xây lắp vật tư kỹ thuật (Tổng công ty Chè Việt Nam) thuê lại của UBND thành phố Hà Nội vào năm 2000, với diện tích là 689,5 m2 tại 126 Võ Thị Sáu (nay là 92 Võ Thị Sáu). Mục đích để xây dựng nhà điều hành và quản lý sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của đơn vị, trong diện tích 698,5 m2 đất có 244,4 m2 đã được Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng cho Sông Châu thuê với thời hạn 30 năm tính từ ngày 1/1/2014.

Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xử lý vi phạm trong việc sử dụng nhà đất, góp vốn liên doanh liên kết không xin ý kiến chủ sở hữu, thoái vốn không thông qua đấu giá, ký các hợp đồng cho thuê nhà đất ... vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.

ĐẠI GIA CAO MINH SƠN LÀ AI?

Ông Cao Minh Sơn được biết đến là ông chủ của Công ty Cổ phần Sông Châu. Công ty này chính là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sông Châu nằm trên trục đường tỉnh lộ 491, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ngoài Sông Châu, vị doanh nhân sinh năm 1961 này còn là chủ của hơn 10 doanh nghiệp khác như: Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Đất Việt; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Bình An; Công ty Cổ phần sản xuất Nhật Minh; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sản xuất Nhật Minh; Công ty Cổ phần Mediplantex Land; Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Phúc Thịnh; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Du lịch Lạc Hồng, Công ty Cổ phần Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn,...

tong-cong-ty-che-7428.jpeg
Theo báo cáo của đơn vị, trong diện tích 698,5 m2 đất có 244,4 m2 đã được Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng cho Sông Châu thuê với thời hạn 30 năm tính từ ngày 1/1/2014.

Ông Sơn cũng chính là người đã âm thầm sở hữu nhiều khu đất công, có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM.

Đầu tiên phải kể đến là Công ty Cổ phần sản xuất Nhật Minh. Đây là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2008 và có trụ sở tại thành phố Hà Nội. Ông Cao Minh Sơn là Tổng giám đốc, kiêm người đại diện của công ty.

Tiếp đó là Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Đất Việt thành lập năm 2007. Điều đáng nói, hiện doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vào năm 2009, Đất Việt và Nhật Minh đã bắt tay cùng Công ty Dược phẩm Trung ương 2 (UpCom: DP2) thành lập nên Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bình An để thâu tóm11.227m2 đất Zone 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội - một tụ điểm ăn chơi nổi tiếng khắp miền Bắc thời gian trước đây.

Cụ thể, Zone 9 có nguồn gốc là đất của Công ty Dược phẩm Trung ương 2 quản lý, sau đó được di dời ra ngoài ngoại thành Hà Nội. Theo đó, Dược phẩm Trung ương 2 đã xin lập dự án đầu tư ở khu đất này. Đến năm 2010, Công ty Bình An được phê duyệt chủ trương là chủ đầu tư dự án.

Tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bình An, ông Cao Minh Sơn là Tổng giám đốc của công ty.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần sản xuất Nhật Minh còn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền và DP2 để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở thấp tầng Đại Mỗ (tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Dự án Trung tâm văn phòng cho thuê tại số 15 Thể Giao (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo thoả thuận góp vốn, Nhật Minh chiếm 26,84% tổng vốn đầu tư.

Chưa hết, theo tìm hiểu của Thương gia, năm 2020, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Đất Việt và Công ty Cổ phần Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn là cổ đông nắm cổ phần chi phối tại DP2.

Trong đó, Công ty Cổ phần Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn cũng là một công ty do đại gia Cao Minh Sơn sở hữu. Doanh nghiệp này thành lập năm 2015 và hiện đang do người thân của ông Sơn quản lý.

Không chỉ có mối quan hệ mật thiết với DP2, ông Cao Minh Sơn còn có mối quan tâm khá đặc biệt với Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex (HNX:MED). Vị doanh nhân sinh năm 1961 từng có khoảng thời gian hơn 2 năm làm Phó Chủ tịch HĐQT tại MED (từ năm 2015 - 2017). Khi ông Sơn tham gia vào MED, Công ty Cổ phần Sông Châu của ông Sơn được biết là cổ đông lớn tại MED, trong khi, cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) chỉ nắm giữ 11,36% vốn điều lệ của MED.

Tại đây, MED và Sông Châu đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Smart City để xây dựng tổ hợp công trình, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán Central Residence tại khu đất số 190, tổ 14, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, MED chỉ sở hữu 15% vốn tại Bất động sản Smart City, trong khi pháp nhân thuộc sở hữu của ông Cao Minh Sơn chiếm tới 85% còn lại.

Có thể nói, quá trình phát triển quỹ đất mạnh mẽ của đại gia Cao Minh Sơn được hậu thuẫn lớn bởi OceanBank thời đại gia Hà Văn Thắm. Nhưng khi, khi OceanBank và ông Hà Văn Thắm gặp biến cố thì “hệ sinh thái” của đại gia Cao Minh Sơn cũng gặp một loạt khó khăn.

Ví như, năm 2017, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Đất Việt cũng bị ngân hàng BIDV siết nợ, rao bán đấu giá khu đất mà doanh nghiệp này sở hữu có diện tích 3.094,2 m2 tại địa chỉ số 151/20, 150/12, 151/6 Khu phố 2, Phường Phú Thuận, Quận 7 với giá khởi điểm 56,5 tỷ đồng.

Hay vào tháng 6/2020, ngân hàng Ocean Bank tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Dệt may Đông Á với giá khởi điểm là 998,8 tỷ đồng. Hợp đồng tín dụng được các bên ký kết từ năm 2012 và Dệt May Đông Á là một trong những công ty ông Cao Minh Sơn nắm giữ cổ phần

Cũng trong năm này, Ocean Bank thông báo đấu giá khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công Ty TNHH Đầu Tư Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Tùng Lâm. Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm: 48.000 cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Du lịch Lạc Hồng thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Sản xuất Nhật Minh và ông Cao Minh Sơn, chiếm 80% cổ phần doanh nghiệp; Quyền phát triển, khai thác dự án và Tài sản hình thành tương lai tại dự án 160 Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội),...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của ông Sơn cũng đã ngừng hoạt động như: Mediplantex Land, Đầu tư Phúc Thịnh,...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…