Đại học Điện lực tuyển sinh trái quy định, đầu tư vượt thẩm quyền

Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương và Báo cáo kết quả kiểm soát của TĐ Điện lực VN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo và đầu tư vượt thẩm quyền. Vậy nhưng, đến nay những sai phạm này tại ĐHĐL vẫn chưa bị xử lý?
Đại học Điện lực tuyển sinh trái quy định, đầu tư vượt thẩm quyền

Tuyển sinh trái phép hàng nghìn chỉ tiêu

Theo Thông báo kết luận thanh tra số 28, ngày 27/9/2019 của Thanh tra của Bộ GD&ĐT: Năm 2013, trường Đại học Điện lực (ĐHĐL thuộc Bộ Công thương) tuyển vượt chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT thông báo là 43,4%; năm 2014 trường tuyển vượt chỉ tiêu 12,2%. Đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành Điện công nghiệp và dân dụng năm 2013 thì phát hiện có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn trường đã công bố trong các thông báo số 1201 ngày 09/08/2013 và số 1466 ngày 12/09/2013 và có 7 sinh viên không có dữ liệu điểm xét tuyển.

Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương và Báo cáo kết quả kiểm soát của TĐ Điện lực VN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Đại học Điện lực
Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương và Báo cáo kết quả kiểm soát của TĐ Điện lực VN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Đại học Điện lực

Thông báo KLTT số 28 còn chỉ rõ nhiều sai phạm về tổ chức, quản lý đào tạo; quản lý văn bằng; có hiện tượng sửa điểm bài thi; người không có nhiệm vụ và sinh viên vào phòng chấm thi... Theo đó, tổng cộng có 30 bài thi có dấu hiệu sửa điểm trực tiếp trên bài thi từ điểm thấp lên điểm cao, không ghi điểm kết luận bằng chữ, không ghi điểm chấm chi tiết cho từng câu.

Với hàng loạt sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị, yêu cầu ĐHĐL phải rà soát toàn bộ điểm đầu vào của sinh viên đại học chính quy năm 2013 và 2014 tất cả các ngành đào tạo của trường, lập danh sách sinh viên có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, danh sách sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội của từng địa phương, danh sách sinh viên chuyển trường được tiếp nhận không đúng quy định. Đánh giá tình trạng hiện tại (còn học, đã tốt nghiệp) của các danh sách trên, đề xuất phương án xử lý. Trường hợp không đúng quy chế thì buộc thôi học, thu hồi văn bằng theo quy định gửi về Vụ Giáo dục đại học và Thanh tra Bộ GD-ĐT trước ngày 30/11/2019.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT ngày 16/09/2016 của Bộ Công thương cũng đã chỉ ra một số sai phạm, hạn chế của ĐHĐL về công tác tuyển sinh, công tác liên kết đào tạo, công tác quản lý chất lượng đào tạo, công tác quản lý thu – chi học phí... Bộ Công thương cho rằng, để xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm có tính chất nghiêm trọng, buông lỏng quản lý, chấp hành chưa đúng các quy định về thu học phí với số tiền phải xử lý sau thanh tra hơn 42 tỷ đồng, chịu trách nhiệm trực tiếp là Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và phòng ban tham mưu.

Cũng theo KLTT 8674, công tác tuyển sinh từ năm 2011 đến năm 2013, ĐHĐL đã tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố. Trong các năm 2011 đến 2015, trường đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao. Năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng liên thông lên trình độ đại học khi chưa được cấp phép của Bộ GD&ĐT.

Do đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn dẫn đến không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm thanh tra (tháng 03/2016) còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015.

Đầu tư vượt thẩm quyền

Không chỉ tuyển sinh vượt chỉ tiêu, đào tạo chui hàng nghìn sinh viên, Báo cáo kết quả kiểm soát tại Trường ĐHĐL số 357/2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN- khi đó là đơn vị chủ quản của ĐHĐL) cũng chỉ ra rất nhiều sai phạm, riêng chủ trương việc mua Trung cấp kỹ thuật Hồng Lam báo cáo chỉ rõ: ĐHĐL đã thực hiện việc đầu tư mua trường Trung cấp kỹ thuật Hồng Lam với mức giá hơn 36 tỷ đồng nhưng chưa được cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, EVN cũng chỉ ra việc đầu tư của ĐHĐL vào Trường Hồng Lam là không có hiệu quả, lỗ luỹ kế đến cuối năm 2013 là 4,8 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, theo quyết định số 864, ngày 14/07/2017 của trường ĐHĐL, thì Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng còn tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án Công trình Nhà thí nghiệm kết hợp Nhà học - Trường ĐHĐL với mức vốn đầu tư lên tới hơn 269 tỷ đồng; Quyết định số 242, ngày 22/3/2016 Hiệu trưởng ĐHĐL đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án Công trình xây dựng Trung tâm thí nghiệm. Đồng thời vị Hiệu trưởng này cũng tự ý ra Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình Trung tâm thí nghiệm này trái thẩm quyền tại Quyết định số 865 ngày 14/07/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thí nghiệm với mức vốn đầu tư điều chỉnh tăng hơn 87 tỷ đồng.

Chiếu theo Điểm a, khoản 2, Điều 12, Nghị định số 16/2015 quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định về sử dụng nguồn tài chính và Điểm a khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì những dự án đầu tư xây dựng nói trên thuộc nhóm B, nhóm C phải do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt.

Quy định của pháp luật là vậy, nhưng ông Trương Huy Hoàng- Hiệu trưởng Trường ĐHĐL lại tự ý ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhiều dự án trái với các quy định của pháp luật, vượt thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Viết Đức- Văn phòng luật sư Trường Phúc (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, những sai phạm của Trường ĐHĐL mà Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Bộ Công thương, Báo cáo kiểm soát của EVN đã chỉ ra là đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm hình sự liên quan đến các hành vi: Làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...