Đảm bảo an toàn nợ nước ngoài thông qua giải ngân vốn đầu tư công (Bài 2): Chuyên gia kiến nghị 6 giải pháp quản lý hiệu quả!

Để quản lý hiệu quả nợ nước ngoài, góp phần đảm bảo toàn tài chính quốc gia, các chuyên gia đều cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Lê Thị Mai Anh – Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững theo hướng phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm rào cản kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro thể chế đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán, phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, bao gồm mở rộng quy mô vốn hóa của thị trường và tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Giải pháp tiếp theo là từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.

Xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung và dài hạn (bao gồm cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP). Theo đó, khống chế bội chi NSNN bình quân 5 năm ở mức 3,9% GDP; Cắt giảm bảo lãnh chính phủ theo hướng tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khuôn khổ, khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; đồng thời thu hẹp vốn đầu tư của Nhà nước theo hướng Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác động lan tỏa mà tư nhân không thể thực hiện.

Việc xây dựng và điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm và hàng năm cần đảm bảo dư địa dự phòng cho các rủi ro phát sinh như giá dầu, tỷ giá, các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các rủi ro bất khả kháng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép ngay cả khi nền kinh tế trải qua các cú sốc bất lợi trong và ngoài nước.

Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Kiểm soát chặt chẽ việc vay mới ngay từ khâu phê duyệt chủ trương, hạn chế việc vay gắn với ràng buộc chỉ định thầu hoặc mua sắm các trang thiết bị không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Chỉ thực hiện vay sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung dài hạn.

Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ, hạn chế và giảm dần vay đảo nợ; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm dư nợ chính phủ, nợ công. Kiểm soát chặt chẽ bội chi chính quyền địa phương, nợ của chính quyền địa phương, TS. Lê Thị Mai Anh nói.

Vẫn theo TS. Lê Thị Mai Anh, trước hết cần có sự phối kết hợp chặt chẽ và hiệu quả trong điều hành kinh tế, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa các chính sách, đảm bảo đạt được những mục tiêu an toàn nợ.

Kiên quyết không thực hiện chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả. Đồng thời, không sử dụng nợ công để cấp phát ngân sách nhà nước cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng hay đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công thông qua các giao dịch phái sinh, các nghiệp vụ gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, đảo nợ, hoán đổi nợ và mua lại nợ nhằm xử lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng. Kiểm soát các khoản nợ ngầm tiềm ẩn phát sinh từ nợ của khu vực doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng trong nền kinh tế có nguy cơ chuyển thành nợ công.

Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nợ công trong kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, hình thành quỹ dự phòng rủi ro. Nghiên cứu, xây dựng phương án phản ứng chính sách để dự báo và xử lý khi rủi ro nợ công xảy ra.

Một giải pháp đặc biệt quan trọng được TS. Lê Thị Mai Anh khuyến nghị là hoàn thiện công cụ quản lý nợ công, bằng cách xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình quản lý nợ trung hạn cho thời hạn 5 năm, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm.

Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn

Xây dựng và thực hiện chiến lược quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Chủ động tổ chức hội thảo, hội nghị đối thoại với các nhà tài trợ, cập nhật và thông báo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cùng cơ chế nhất quán về đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho họ hiểu và giúp đỡ Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược nợ nước ngoài.

Tách bạch quản lý nợ công với chính sách tài khóa nhằm điều chỉnh những nội dung thuộc bản chất nghiệp vụ quản lý nợ công đang được điều chỉnh bởi chính sách tài khóa như cơ cấu danh mục nợ, nguồn vốn vay cho bù đắp bội chi để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quản lý nợ công. Tăng cường quản lý nợ chính quyền địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đồng thời đảm bảo an toàn nợ chính quyền địa phương và nợ công.

Song song đó, thực hiện tốt công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thông tin về nợ công nói chung, nợ nước ngoài nói riêng. Việc làm này, một mặt, để nâng cao trách nhiệm trong quản lý nợ nước ngoài, giúp Chính phủ có thông tin và số liệu xác thực, trung thực, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tổng thể bảo đảm tính bền vững của nợ nước ngoài và ngân sách nhà nước, mặt khác tạo được niềm tin, sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và tăng khả năng huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân…

Cuối cùng, TS. Lê Thị Mai Anh cho rằng cần nâng cao năng lực quản lý nợ thông qua hình thức đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ quản lý nợ có đủ đức, đủ tài. Trong những năm gần đây, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nợ tại các bộ, ngành và ban quản lý dự án tuy được cải thiện nhưng vẫn cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu công tác. Lực lượng cán bộ quản lý nợ của hầu hết các cơ quan có liên quan còn mỏng và còn nhiều điểm yếu dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao, đặc biệt ở các địa phương.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 1/7/2022 Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Song song đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...