Dàn cựu lãnh đạo HOSE “nội ứng ngoại hợp” giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng

Ông Trần Đắc Sinh khi làm Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã biết công ty Faros không đủ điều kiện, nhưng vẫn quyết định cho niêm yết với lý do có quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết...

quyet-8017.jpeg
Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố hai tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “Thao túng chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Trong đó, C01 đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM gồm: Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở giao dịch; Lê Hải Trà, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc thường trực, Thành viên độc lập Hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, Thành viên Hội đồng niêm yết.

Bốn bị can nêu trên đều bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, riêng bà Hằng được tại ngoại.

Đồng thời, C01 đề nghị truy tố với ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Ông Trịnh Văn Quyết và 7 người khác bị điều tra hai tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán và 22 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

CHIÊU LỪA ĐẢO TĂNG VỐN ẢO

Theo kết luận, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo cấp dưới đứng tên mua lại, nhiều lần đổi tên một công ty thua lỗ thuộc hệ sinh thái FLC trước đó là Công ty Cổ phần Xây dựng Faros. Sau nhiều năm gần như không hoạt động, tháng 4/2014, công ty bắt đầu nhận thầu thi công các dự án bất động sản do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Từ tháng 4/2014 đến 9/2016, ông Quyết chỉ đạo người thân cùng các lãnh đạo, nhân viên công ty Faros đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống hơn 3.102 tỷ đồng vốn góp vào công ty Faros làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Lúc này, ông Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Quãng đường này gặp nhiều cản trở do có mâu thuẫn về cơ sở xác định vốn thực góp, song ông Quyết đã được bốn lãnh đạo của HOSE giúp sức.

ang-tran-aac-sinh-7557.jpeg
Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu của Faros, ông Trần Đắc Sinh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp".

Tuy nhiên, do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được ông Quyết và Doãn Văn Phương, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (đã bỏ trốn) giúp đỡ nên ông Sinh đã hỗ trợ để Faros được niêm yết. Từ đó, ông Sinh nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Trà, Vũ, Hằng tạo điều kiện sớm nhất cho Faros.

Theo quy chế hoạt động của HOSE thì việc thẩm định, chấp thuận niêm yết cổ phiếu không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Song đến tháng 8/2016, khi Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ, ông Sinh đã chỉ đạo Văn phòng Hội đồng quản trị của HOSE làm văn bản thông báo, yêu cầu Hội đồng niêm yết phải báo cáo về kết quả thẩm định.

Ông Sinh sau đó cùng các thành viên Hội đồng quản trị chấp thuận niêm yết và ký ban hành nghị quyết với nội dung: "Hồ sơ của Faros đủ các điều kiện niêm yết". Từ sự chỉ đạo xuyên suốt của ông Sinh, mã cổ phiếu của Faros đã được chấp thuận niêm yết, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

ong-le-hai-tra-8201.jpeg
Ông Lê Hải Trà

Trong đại án này, ông Lê Hải Trà - cấp dưới của ông Sinh có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu, thẩm định hồ sơ niêm yết để đưa ra ý kiến độc lập là chấp thuận hay không về việc đăng ký niêm yết trên HOSE.

Khi nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết của Faros, ông Trà bị cáo buộc biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính có vi phạm bởi "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp". Ông sau đó hai lần hội ý với các thành viên Hội đồng niêm yết và đều thống nhất chưa đủ điều kiện, yêu cầu công ty phải giải trình. Tuy nhiên, lúc được báo cáo giải trình của Faros, ông Trà và các thành viên Hội đồng niêm yết chưa nghiên cứu nhưng đã "đồng ý ngay".

"BIẾT SAI VẪN LÀM" VÌ SỢ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẢN THÂN

Tại cơ quan điều tra, ông Trà thừa nhận hành vi "do có mối quan hệ với ông Quyết và Phương". "Việc chấp thuận niêm yết giúp cho Faros có điều kiện thu hút vốn của các nhà đầu tư trên thị trường và HOSE có doanh thu từ thu phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán, thông qua đó nâng cao uy tín bản thân", ông Trà khai.

ong-le-cong-dien-644.jpeg
Ông Lê Công Điền

Một cá nhân khác là ông Lê Công Điền với vai trò là Vụ trưởng Giám sát Công ty đại chúng, khi thẩm định hồ sơ của Faros đã phát hiện không đủ cơ sở xác định vốn góp. Tuy nhiên, ông Điền không kiểm tra mà ký văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký rồi công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Faros được niêm yết thành công với vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng.

Ông Điền khai rằng, do Faros là công ty lớn, ông Quyết lại "có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, có một công ty chuyên tư vấn pháp luật" nên lo sợ. Khi thẩm định, ông Điền đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng nhưng 2 lần bị Faros khiếu nại là "làm vượt thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp". Do lo sợ bị ảnh hưởng đến công việc nên ông Điền "biết sai vẫn làm".

Cũng trong vụ án này, C01 còn xác định sự thiếu trách nhiệm của ông Vũ Bằng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Lê Thị Thu Hằng, Vụ phó và Nguyễn Thị Thúy, chuyên viên Vụ giám sát Công ty đại chúng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa có căn cứ xử lý hình sự nên kiến nghị xử lý về hành chính.

Tháng 8/2016, Faros được Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp nhận đăng ký cổ phiếu ROS, mệnh giá 10.000 đồng/cổ, số lượng đăng ký 430 triệu. Một tháng sau, ROS chính thức lên sàn HOSE với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ.

Sau khi ROS lên sàn, ông Quyết tiếp tục chỉ đạo cấp dưới dùng nhiều thủ đoạn để 2 lần tăng vốn điều lệ khống lên 5.600 tỷ đồng. Thực chất tất cả việc này đều là "bánh vẽ" để thu hút nhiều nhà đầu tư chứng khoán đổ xô vào mua, làm tăng giá trị cổ phiếu ROS.

Với mục đích chiếm đoạt tài sản, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán gần 400 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, thu về 4.800 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, ông Quyết đã chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư, sử dụng vào nhiều việc khác nhau.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...