Dân phương Tây “tức giận” trước những hạn chế Covid-19 mới của chính phủ

Các hạn chế xã hội và những chính sách cập nhật mới đối với quy định phòng tránh dịch hiện đang được ban hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Dân phương Tây “tức giận” trước những hạn chế Covid-19 mới của chính phủ

Những người Hy Lạp trên 60 tuổi từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể sẽ bị phạt 100 euro mỗi tháng, đây là một trong những quyết định mà chính phủ Hy Lạp dự kiến rằng sẽ không được người dân hưởng ửng nhưng sẽ là cách cần thiết để ngăn ngừa sự hoành hành của dịch bệnh. 

Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra vào 5 giờ chiều hàng tuần tại Hà Lan, nhằm phản đối các hạn chế xã hội mới mà chính phủ công bố. 

Tại Israel, vào 2/12, chính phủ nước này đã bị buộc phải ngừng sử dụng công nghệ cài điện thoại để truy vết các trường hợp nhiễm Covid-19 sau nhiều ồn ào dư luận. 

Với sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của biến thế Covid-19 mới - Omicron, các chính phủ trên khắp thế giới đang cân nhắc thêm nhiều biện pháp phòng chống dịch mới, làm bùng lên một làn sóng giận dữ từ phía những người dân nay đã quá mệt mỏi vì hạn chế xã hội. 

“Tôi biết sự thất vọng mà tất cả chúng ta cảm thấy với tình hình đại dịch, cảm giác kiệt sức khi biết rằng chúng ta có thể phải trải qua những điều này một lần nữa,” Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết vào hôm 30/11, hai ngày sau khi chính phủ thông báo rằng khẩu trang sẽ là yêu cầu bắt buộc trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng; đồng thời yêu cầu tất cả du khách từ nước ngoài phải trải qua kiểm dịch và cách ly Covid-19. “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một cách tiếp cận cân bằng và tương xứng.”

Những hạn chế mới, hoặc những phiên bản nâng cấp của hạn chế cũ, đang dần được triển khai diện rộng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo đang phải “đau đầu” để giải thích cho một “lời hứa dường như đã thất bại”: Tiêm chủng hàng loạt sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt các hạn chế xã hội gây bức bối. 

Ở Hà Lan, nơi các hạn chế chính thức có hiệu lực vào tuần trước, chính quyền đã điều động cảnh sát tuần tra trên đường phố để ngăn chặn các cuộc biểu tình. 

“Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là lắng nghe và tuân thủ các quy tắc. Hãy thực hiện điều đó và cầu nguyện cho nó không trở nên tồi tệ hơn. Tôi không hề có bất kỳ vấn đề gì với các hạn chế xã hội. Tôi là một y tá. Tôi biết một người nhiễm bệnh phải trải qua những điều kinh khủng như thế nào,” bà Wilma van Kampen, một người dân Hà Lan chia sẻ. 

Tại Hy Lạp, những cư dân trên 60 tuổi phải đối mặt với khoản tiền phạt 100 euro mỗi tháng nếu họ không chịu tiêm phòng. Tiền phạt sẽ được tính vào các các hóa đơn thuế vào tháng Giêng năm sau. Khoảng 17% người Hy Lạp trên 60 tuổi hiện vẫn chưa tiêm chủng mặc dù đã có nhiều nỗ lực khuyến khích, và 9/10 người Hy Lạp trên 60 tuổi đã nhiềm bệnh hoặc tử vong vì Covid-19. 

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết trong một tuyên bố: “Tôi không quan tâm liệu biện pháp này có khiến tôi mất thêm một lượng lớn phiếu bầu trong cuộc bầu cử hay không. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đang làm đúng và đây sẽ là một chính sách cứu được nhiều mạng người.”

Khác với Hy Lạp khi “sử dụng một củ cà rốt thay vì một cây gậy”, chính phủ Slovakia đang đề xuất thưởng cho những người từ 60 tuổi 500 euro nếu họ chịu tiêm phòng đầy đủ. 

Còn tại Israel, vào đầu tuần này, chính phủ đã nhanh chóng triển khai công nghệ giám sát điện thoại để thực hiện theo dõi liên lạc của những người đã được xác nhận dương tính với biến thể Omicron, nhưng buộc phải ngừng hành động này vào 2/12 bởi một làn sóng phẫn nộ từ công chúng. 

“Ngay từ đầu, tôi đã lưu ý rằng việc sử dụng công cụ này sẽ bị hạn chế và sẽ chỉ trong thời gian ngắn - trong vài ngày thôi, để kịp thời nắm được các thông tin khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể mới chưa được biết đến,” Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz cho biết trên Twitter.

Tại Nam Phi, nơi đầu tiên cảnh báo thế giới về biến thể Omicron, các hạn chế trước đây bao gồm lệnh giới nghiêm và lệnh cấm bán rượu. Nhưng lần này, Tổng thống Cyril Ramaphosa chỉ đơn giản là kêu gọi người dân chủ động đi tiêm vaccine nhiều hơn “để giúp khôi phục các quyền tự do xã hội mà tất cả đều đang khao khát”.

Đức vào 2/12 đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt mới đối với những người chưa được tiêm vaccine, không cho phép họ tới các cửa hàng không thiết yếu nhà hàng và các địa điểm công cộng lớn trừ phi họ có sẵn xác nhận âm tính với virus trong thời hạn 72 giờ. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các biện pháp này là cần thiết vì hệ thống y tế đang đứng trước nguy cơ trở nên quá tải một lần nữa. 

Ở Hoa Kỳ, cả hai đảng phái chính trị đều không “mặn mà” với việc quay lại với chế độ “lockdown” toàn quốc. Việc thực thi các biện pháp thậm chí đơn giản như đeo khẩu trang cũng đã trở thành một tiêu điểm chính trị. Và đảng Cộng hòa đang đâm đơn kiện để chặn yêu cầu tiêm chủng bắt buộc hoặc phải có xét nghiệm âm tính mới của chính quyền TT Biden đối với nhân viên đi làm tại các doanh nghiệp lớn. 

Tổng thống Joe Biden, người mà số phận chính trị nay có thể phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch, đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ chống lại Covid-19 và biến thể mới "không phải với việc ngừng hoạt động hoặc lockdown mà với việc tiêm chủng rộng rãi hơn, bổ sung mũi tăng cường, xét nghiệm và hơn thế nữa." “Nếu mọi người được tiêm phòng và đeo khẩu trang, thì không cần phải lockdown,” TT Biden nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, quyết định của TT Biden không nhận được sự ủng hộ của một bộ phận người dân Hoa Kỳ. Điển hình như với Mark Christensen, một nhà buôn ngũ cốc cho một nhà máy sản xuất ethanol ở Nebraska, thì sự xuất hiện của biến thể mới không gây ra chút khác biệt nào trong cuộc sống hàng ngày. Ông Christensen từ chối bất kỳ yêu cầu tiêm chủng nào và không hiểu tại sao lại cần tiêm chủng. Trong mọi trường hợp, ông nói, hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực ông sinh sống đều quá nhỏ để phải tuân theo các quy định.“Nếu họ chỉ khuyến khích tôi đi tiêm chủng, thì đó là một chuyện. Nhưng tôi tin vào quyền tự do lựa chọn, chứ không phải quyết định ép buộc hay vũ lực."

Chile đã thực hiện một đường lối chính sách khó khăn hơn kể từ khi xuất hiện biến thể omicron: Những người trên 18 tuổi phải tiêm liều tăng cường sau mỗi sáu tháng để giữ được “tấm vé” cho phép vào nhà hàng, khách sạn và các buổi tụ tập công cộng.

Tiến sĩ Madhukar Pai, Trường Dân số và Y tế Công cộng của Đại học McGill, nói rằng khẩu trang là một cách dễ dàng và không gây đau đớn để ngăn chặn sự lây truyền của dịch bệnh, nhưng những dụng cụ xét nghiệm tại nhà có giá thành rẻ cần phải được phổ biến rộng rãi hơn nhiều, ở cả những người giàu và các nước nghèo.” Ông cho biết cả hai cách tiếp cận đều mang lại cho mọi người cảm giác kiểm soát được cuộc sống của mình, giúp dễ dàng chấp nhận việc phải tuân theo các quy định như huỷ bỏ tiệc tùng hay ở lại trong nhà. 

Ông Pai cũng cho rằng việc triển khai các liều tiêm tăng cường trên toàn cầu, như trường hợp của Israel, Chile và nhiều quốc gia ở châu Âu bao gồm cả Pháp, sẽ chỉ kéo dài đại dịch bằng cách làm cho việc cung cấp những liều vaccine đầu tiên đến các nước nghèo trở nên khó khăn hơn. “Lockdown”, ông nói, nên là lựa chọn cuối cùng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...