Đất nền có thể tiếp tục tăng giá và sốt nóng cục bộ trong năm 2019

Đây là nhận định của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo “Xu hướng & cơ hội đầu tư BĐS 2019” do CafeLand tổ chức ngày 11/12/2018 tại TP.HCM.
Đất nền có thể tiếp tục tăng giá và sốt nóng cục bộ trong năm 2019

Đất nền được dự báo sẽ tiếp tục "nóng" trong năm 2019

Theo ông Phấn, từ thực tiễn kinh nghiệm của các nước cũng như ở nước ta trong những năm qua thì năm 2019, thị trường bất động sản không có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”. Bởi kinh tế vĩ mô của đất tiếp tục phát triển ổn định. Các thị trường đầu tư khác như thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng…dự báo không có biến động lớn. Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường BĐS nói riêng vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, kiểm soát và điều chỉnh thị trường một cách kịp thời...

Mặt khác, nguồn cung BĐS hiện nay khá lớn so với nhu cầu, chưa có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm BĐS, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư trung cao cấp. Thị trường hiện nay chỉ thiếu nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc bình dân, giá thấp và nhà ở xã hội. Tuy vậy, nhiều dự án đang được điều chỉnh để tăng nguồn cung phân khúc giá trung bình.

“Với nền tảng như vậy, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. Tình trạng tăng giá đất nền có thể xảy ra tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp”, ông Phấn nhận định.

Các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nêu rõ bức tranh vĩ mô tương đối sáng cho năm 2019 với các 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kịch bản thứ nhất là mức tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,86%/năm giai đoạn 2018 – 2020 và 6,72%/năm giai đoạn 2016 – 2020; mức lạm phát ở mức dưới 4%/năm, từ 2019 (tính theo trung bình CPI).

Kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế cao hơn (GDP tăng 6,91%/năm giai đoạn 2018 – 2020 và 6,75%/năm giai đoạn 2016 – 2020) nhưng song song đó là áp lực lạm phát lớn hơn, vượt 4% trong 2018 – 2020.

Kịch bản thứ ba là tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn (trung bình đạt 7,06%/năm giai đoạn 2018 – 2020 và 6,84%/năm giai đoạn 2016 – 2020; lạm phát thấp hơn 4% kèm với đó là việc cải thiện đáng kể về năng suất.

“Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, TS.Trần Đình Thiện đánh giá về kịch bản 3. Tuy nhiên, theo TS.Thiên, dù là kịch bản nào thì quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải tiếp tục cải cách thể chế, quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể mang đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo TS.Trần Đình Thiên, khi cộng hưởng các yếu tố này thì thị trường BĐS không có lý gì mà không phát triển, nhất là khi Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, nhu cầu nhà ở rất lớn, tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Dù vậy, "tác động tích cực và tiêu cực từ cuộc chiến này đến Việt Nam đều rất mạnh. Mỹ - Trung là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở cả 2 chiều (xuất siêu lớn sang Mỹ, nhập siêu lớn từ Trung Quốc). Song những diễn biến này đều đang ở mức "khó lường", đòi hỏi phải chủ động để ứng biến với nhiều kịch bản có thể xảy ra", ông Thiên lưu ý.

Đồng quan điểm với TS.Trần Đình Thiên, các chuyên gia khác đều có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường nhà đất trong năm 2019 dù thị trường đang bộc lộ những dấu hiệu đáng lo ngại như suy giảm nguồn cầu, quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm, tín dụng bị siết chặt...

Tại một số khu vực được dự báo vẫn sẽ có những diễn biến tích cực nhờ các động lực từ cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện, lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức hợp lý và có sự hỗ trợ tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế. Nguồn cung sản phẩm và giao dịch trên thị trường BĐS dự báo cũng sẽ tăng trưởng.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Vũ Văn Phấn cho rằng: Điểm mấu chốt hiện nay chính là cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS theo hướng cắt giảm tối đa các điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh... Mặt khác cũng cần có các giải pháp nhằm chống đầu cơ trong lĩnh vực BĐS, góp phần bình ổn thị trường, sử dụng hiệu quả đất đai...

“Sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài giàu tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm tham gia thị trường nên cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Bên cạnh đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ phía khách hàng.

Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS trong nước cần phải không ngừng nâng cao năng lực, nâng cao tính chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược, lâu dài thì mới có thể trụ vững và phát triển được”, ông Phấn lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…