Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 3/2017, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã đưa ra kế hoạch hướng tới mua 100% toàn bộ hệ thống điện máy hiện nay thông qua M&A, đồng thời dự kiến sẽ tham gia lĩnh vực phân phối dược phẩm thông qua kế hoạch mua bán sáp nhập các chuỗi cửa hàng. Định mức đầu tư cho kế hoạch này được đưa ra khi đó sẽ không quá 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng kể từ khi thông qua kế hoạch trên, Chỉ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết công ty đang chuẩn bị xin ý kiến cổ đông phê duyệt con số đầu tư cao hơn 5 lần – 2.500 tỷ đồng. Người đứng đầu MWG cũng chia sẻ, nếu được cổ đông đồng ý, việc mua lại các chuỗi điện máy và dược phẩm sẽ diễn ra ngay do mọi thứ đàm phán đã gần như xong, chỉ chờ được duyệt chi.
"Mọi người nghiên cứu có thể sẽ biết được Thế Giới Di Động sắp mua chuỗi điện máy nào, tuy nhiên vì chuyện bảo mật nên chưa thể công bố", ông Tài nói trong sự kiện tổ chức cho các nhà môi giới đầu tư hôm qua (3/8).
Tổng cả hệ thống Thegioididong và Điện Máy Xanh của MWG hiện có 1.480 cửa hàng trên toàn quốc, phân bố tại hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, nếu xét riêng hai thành phố lớn đại diện cho 2 khu vực thị trường quan trọng, thì TP HCM có 208 siêu thị còn Hà Nội mới chỉ có 153 siêu thị. Tại các tỉnh thuộc 2 khu vực cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong thị phần khi hệ thống siêu thị của MWG tại khu vực miền Nam vượt trội hơn rất nhiều so với miền Bắc.
Chỉ xét riêng hệ thống Điện Máy Xanh cũng có thể thấy sự phân bố không đồng đều khi TP HCM có 45 siêu thị, trong khi Hà Nội mới có 34 siêu thị. Những tỉnh đứng sau cũng chủ yếu ở khu vực phía Nam, như Đồng Nai (20 siêu thị), Bình Dương (15 siêu thị), An Giang (13 siêu thị) hay Tiền Giang (12 siêu thị).
Một nhà môi giới trong sự kiện ngày hôm qua đã đặt câu hỏi liệu kế hoạch này có phải hướng đến một chuỗi điện máy tại Hà Nội hay không khi chuỗi Điện máy Xanh vẫn chưa lấn sân được thị trường miền Bắc, đặc biệt ở các khu vực trung tâm Hà Nội.
Từ những căn cứ này và chia sẻ của Chủ tịch MWG, không khó để đưa ra một danh sách những chuỗi điện máy và dược phẩm có thể lọt vào tầm ngắm của công ty.
Xét các chuỗi điện máy có tiếng tại khu vực phía Bắc thì có thể kể đến 4 đơn vị chính là Trần Anh, HC, Mediamart hay Pico. Tuy nhiên, xét về quy mô, Trần Anh và MediaMart đang có khoảng cách khá lớn với 2 chuỗi còn lại là HC và Pico. Trong đó, Trần Anh (TAG) thời gian gần đây đang nổi lên nhờ tốc độ phát triển nhanh các chuỗi cửa hàng.
Ngay trước tuyên bố của Chủ tịch MWG, Trần Anh cũng đã thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua kế hoạch phát triển công ty trong năm 2017 và các nội dung khác theo thẩm quyền của Đại hội. Động thái này khiến cho rất nhiều nhà đầu tư cho rằng công ty này là ứng cử viên sáng giá nhất trong tầm ngắm.
Nếu Trần Anh là đích ngắm tới của MWG, việc thâu tóm cũng không quá phức tạp, bởi theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2017, cơ cấu cổ đông của Trần Anh hiện tại cũng khá cô đặc.
Chỉ tính riêng vợ chồng Chủ tịch Trần Xuân Kiên và bà Đỗ Thị Thu Hường đã sở hữu gần 44% cổ phần của Trần Anh . Nếu cộng thêm các thành viên khác trong gia đình, tỷ lệ sở hữu đạt xấp xỉ 56%.
Cổ đông lớn thứ hai tại TAG, cũng là cổ đông chiến lược của công ty là Tập đoàn Nojima của Nhật bản. Tính đến 30/6/2017, sở hữu của Nojima tại TAG đạt 30,82%. Tính ra, chỉ hai nhóm cổ đông lớn nhất đã sở hữu gần 90% vốn của Trần Anh.
Nojima bắt đầu tham gia tại Trần Anh từ cuối tháng 7/2013 thông qua việc chi ra 64 tỷ đồng để sở hữu 10% vốn điều lệ. Thời điểm đó, mức giá Nojima chấp nhận chi ra để đầu tư vào TAG đạt trên 49.000 đồng/cp.
Không chỉ mang nghĩa đầu tư tài chính đơn thuần, Nojima cũng đặt khá nhiều kỳ vọng vào Trần Anh khi cùng hợp tác với chuỗi điện máy này trong công tác quản trị và từng bước đặt chân vào thị trường Việt Nam. Cuối tháng 9/2015, Nojima và Trần Anh đã mở siêu thị điện máy đầu tiên mang thương hiệu chung ở Việt Nam theo mô hình kinh doanh và dịch vụ tại Aoen Mall Long Biên.
Là một doanh nghiệp niêm yết, số liệu minh bạch lại có thương hiệu tốt ở Hà Nội cũng như miền Bắc, rõ ràng Trần Anh là lựa chọn tốt nhất đối với Thế giới Di động.
Sau tuyên bố từ phía Thế giới Di động, cả cổ phiếu MWG của Thế giới Di động và TAG của Trần Anh đều tăng mạnh. MWG tăng hơn 3% còn TAG tăng kịch biên độ 10% lên 33.000 đồng. Tại mức giá này, vốn hoá thị trường của Trần Anh đạt hơn 820 tỷ đồng.
Còn trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, hiện tại cũng không có quá nhiều cái tên cho MWG lựa chọn. Bởi thị trường này hiện phân mảnh và thị phần nằm trong tay chủ yếu là các cửa hàng tư nhân, các chuỗi phân phối thuốc tây hiện diện ở mức khá khiêm tốn.
Các chuỗi phân phối lớn có thể kể đến như Phano Pharmacy, Pharmacity hay PAK Pharmacy có vốn điều lệ chỉ ở mức vài chục tỷ cho tới 120 tỷ đồng.
Trong số này, Phano Pharmacy và Pharmacity là 2 chuỗi dược phẩm có triển vọng hợp lý nhất.
Phano Pharmacy là một công ty khá trẻ trong ngành công nghiệp bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam thành lập vào tháng 3/2007 do 5 cổ đông, trong đó 4 cổ đông cá nhân hiện đang sở hữu 85% vốn điều lệ và CTCP Dược phẩm Duy Tân sở hữu 15% vốn. Tính đến năm 2017, Phano đã xây dựng được hệ thống hơn 60 cửa hàng với 500 nhân viên.
Đứng thứ 2 – Pharmacity, thuộc quản lý của CTCP Dược phẩm Pharmacity - một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thuốc tây, thực phẩm chức năng mới đi vào hoạt động từ năm 2012 do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Thanh Hoài với sở hữu 86,63%. Hiện tại Pharmacity có hơn 40 cửa hàng tập trung chủ yếu tại TP HCM.
>> Thế Giới Di Động chuẩn bị mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm