Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm là một trong những giải pháp trọng tâm để hồi phục tăng trưởng kinh tế khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đã có các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 7 đoàn kiểm tra đã được thành lập do lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành địa phương để trực tiếp nắm bắt, đôn đốc, xử lý các vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 vẫn ở mức thấp, mới đạt khoảng 33%. Nhiều địa phương đã bị phê bình khi tiến độ giải ngân còn chậm. Có một số địa phương ở mức dước 20%, 7 bộ cùng cơ quan trung ương giải ngân chưa đạt 5%.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thực hiện quyết liệt để tránh hiện tượng dồn giải ngân vào thời điểm 6 tháng cuối năm 2021. 

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, về xây dựng chế độ, chính sách, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong Quý I năm 2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về Ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch,..., kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.

Về tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án.

Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Có thể bạn quan tâm