Ngành Giao thông Hà Nội đang khởi động kế hoạch đề án thu phí ôtô vào nội đô, trong đó đơn vị tư vấn đề xuất lập 87 trạm thu phí, hoạt động từ 5h đến 21h hằng ngày. Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quát hơn về đề án trên nếu được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Phóng viên Thương Gia đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội, Bùi Danh Liên.
Phóng viên:Chào ông, ông đánh giá thế nào về việc đơn vị tư vấn vừa xây dựng và trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội địa điểm sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện (ôtô) vào nội đô?
Ông Bùi Danh Liên: Trước tiên tôi rất hoan nghênh những chủ trương chính sách, những sáng kiến về giao thông vận tải nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội trong những năm qua. Những chính sách, chủ trương nào có lợi cho dân, cho nước thì tôi rất ủng hộ. Đối với đề án lập 87 trạm thu phí phương tiện (ôtô) vào nội đô đường ngành Giao thông vận tải Hà Nội đang khởi động, tôi cho rằng đây không phải là chính sách mới, mà ở một số nước trên thế giới họ làm lâu rồi.
Bản thân tôi đã đi nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới thấy những phương pháp họ thực hiện khác chứ không phải bằng cách thủ công như đề án Hà Nội đang thực hiện. Nếu Hà Nội vẫn kiên quyết thực hiện theo đề án đó thì Hà Nội đúng là đi trước về sau thật.
Việc thu phí vào nội nhằm giảm ùn tắc giao thông cũng là một giải pháp, nhưng tất cả chúng ta đều biết Thủ đô Hà Nội đang xây dựng thành phố số, thành phố công nghệ mà giờ lại lập đề án xây dựng gần 100 trạm để thu phí. Khi đã dựng các trạm thu phí sẽ phải đưa con người, máy móc, thiết bị giám sát ra vận hành điều này lại làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí mà việc thu phí liệu có đủ cho những chi phí để vận hành không mới là vấn đề đáng phải quan tâm. Hơn nữa, nếu nhất quyết thực hiện đề án thì việc thu phí sẽ được áp dụng theo quy định nào của pháp luật về phí và lệ phí. Thu chi như thế nào phải được Quốc hội và Chính phủ ban hành và thông qua, chứ không phải anh cứ thích thu là thu được. Đặc biệt, nếu Hà Nội nhất quyết thực hiện đề án trên sẽ rối loạn, nảy sinh ra câu chuyện các tỉnh, thành, các làng, bản khác họ cũng bảo họ ở địa phương họ cũng ùn tắc nên họ cũng lập trạm đè ra thu phí, vì Hà Nội thu được tại sao họ lại không được làm.
Có một thực tế là không chỉ riêng ở Hà Nội, mà các tỉnh, thành khác phương tiện giao thông cũng rất đông. Tôi lấy ví dụ như thành phố Vinh, người Đức người ta thiết kế thành phố hiện đại, rộng rãi như thế nhưng đến giờ cao điểm trong nội thành ùn tắc ngay. Theo thông kê của ngành giao thông ở Nghệ An, bình quân mỗi người dân Nghệ An có 1 xe ô tô nên có thể nói số lượng xe ở địa phương này là rất lớn. Như vậy, nếu thành phố Vinh họ cũng làm như Hà Nội, thì đất nước này sẽ như thế nào?
Theo ông, việc lập các trạm thu phí mục đích chính là để ngăn bớt lượng người vào nội đô hay còn lý do nào khác?
Theo quan điểm của tôi, đề án trên mang tính chất lạm về thu tiền là chính. Khi tổ chức thực hiện, sẽ có rất nhiều bất cập nảy sinh. Nếu thực hiện theo phương thức thủ công như đề án chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc. Trong trường hợp có người chống đối không nộp tiền, lực lượng chức năng sẽ không cho vào như vậy họ bắt buộc phải quay đầu, như thế chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc. Một tình huống nữa có thể xảy ra là giả sử những xe ở trong Sài Gòn và các tỉnh xa về Hà Nội trong trường hợp mà không có tiền đóng thì xử lý như thế nào, không lẽ đuổi họ đi à?.
Trong đề án có đề cập tới việc sẽ có nhiều đối tượng được ưu tiên. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ ưu tiên, các cá nhân, đơn vị lại ùn ùn kéo nhau lên Sở Giao thông Vận tải để làm hồ sơ, điều này lại phát sinh tiêu cực và nảy sinh thêm nhiều thủ tục hành chính. Trong trường hợp giải quyết thủ tục hồ sơ bằng công nghệ thông tin thì tôi lại không tin có thể thực hiện được, bởi như đợt cấp xe luồng xanh vừa rồi nhiều đơn vị vận tải nộp hồ sơ cả tuần nhưng không được giải quyết, khi hỏi thì cơ quan chức năng lại trả lời là hồ sơ không hợp lệ vẫn phải lên làm trực tiếp. Nếu làm trực tiếp thì chúng ta đều biết rồi đấy, tiêu cực lại nảy sinh như vụ bắt một công chức ở Tổng cục Đường bộ là một minh chứng.
Trong trường hợp được đưa vào áp dụng, chi phí lưu thông, chí phí hàng hóa chắc chắn sẽ đội lên, điều này sẽ tác động ra sao đối với nền kinh tế, thưa ông?
Khi các trạm thu phí được áp dụng vào thực tiễn, những đối tượng phải nộp phí chi phí cá nhân của họ sẽ phải tăng lên, đối với các doanh nghiệp vận tải chi phí vận tải sẽ cao hơn. Nếu chi phí vận tải tăng, tất yếu chi phí hàng hóa các loại sẽ tăng theo điều này sẽ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thời gian qua chúng tôi đã có rất nhiều kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ cần có những giải pháp để cứu ngành vận tải nhưng thực tế ngành vận tải vẫn chưa được quan tâm nhiều. Nay Hà Nội lại đưa ra chính sách này, không biết ngành vận tải sẽ tồn tại như thế nào nữa.
Nhiều năm nay Thủ đô đang thực hiện chính sách giãn dân ra khỏi nội đô, theo quan điểm của ông nếu đề án thu phí vào nội đô được áp dụng vào thực tiễn liệu có làm cản trở quá trình giãn dân ra ngoại thành?
Điều này chưa ai đề cập đến, nhưng tôi thấy đây là vấn đề đáng phải quan tâm và bàn luận thật kỹ, bởi rõ ràng người dân nếu ra ngoài thành phố ở muốn vào trong nội thành phải mất tiền phí đi lại hàng ngày. Nếu điều này xảy ra, không những người dân trong nội đô không ra ngoài sinh sống mà những người ở ngoại thành cũng tìm mọi cách kiếm một chỗ ở trong nội thành ở để khỏi mất tiền phí đi lại hàng ngày. Điều này không những không làm giảm áp lực giao thông trong khu vực nội đô mà lại còn tăng cao hơn.
Để đề án trên được đi vào thực thi thì Hội đồng nhân dân thành phố phải thông qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các cơ quan của thành phố cần bình tĩnh mọi phương án, không được vội vàng. Mặc dù có Luật Thủ đô rồi, nhưng làm gì thì làm khi áp dụng Luật Thủ đô cũng phải tính tới việc tương thích với những quy định pháp luật khác, chứ không phải các ông cứ áp dụng Luật Thủ đô đè dân ra thu tiền là không được.
Theo ông, giải pháp cụ thể và tốt nhất để giảm tải ùn tắc giao thông của Hà Nội là gì?
Tôi cho rằng những giải pháp, công trình của Thủ đô Hà Nội đã đưa ra và thực hiện như việc phân làn giao thông, xe buýt BRT đến đường sắt trên cao đều có rất nhiều vấn đề, không nhận được sự đồng thuận từ nhân dân. Vì thế, theo quan điểm của tôi để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của thủ đô, thành phố cần đi trước một bước là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, phải làm chu đáo, không để tình trạng thi công công trình kéo dài. Muốn được nhân dân đồng thuận, muốn nói dân nghe thì phải tích cực xây dựng các lộ trình, kế hoạch cụ thể đặc biệt phải thay đổi nhận thức quản lý, áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa chứ đừng như công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông làm hàng chục năm chưa xong. Như thế giờ nói dân hơi khó!.
Xin cảm ơn ông.