Số liệu từ Bộ Nông nghiệp, tính từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 841 xã thuộc 246 huyện của 48 tỉnh, thành phố; số lợn tiêu hủy 41.804 con.
Hiện cả nước có 117 ổ dịch tại 49 huyện tại 16 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày kể từ ngày bùng phát dịch.
Trong năm 2021, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.623 xã thuộc 418 huyện của 60 tỉnh, thành phố, khiến gần 300.000 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp nhận định, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao, do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, bão, lũ tạo điều kiện thuận lợi để virus dịch phát triển. Thêm vào đó, virus dịch có thể tồn tại lâu trong không khí, khiến nguy cơ gia súc nhiễm bệnh cao hơn.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về hệ thống thú y, cơ chế, chính sách về phòng chống dịch bệnh động vật còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn.
Chưa kể, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giao lưu thương mại của người dân Việt Nam với các nước rất đa dạng tạo nguy cơ dẫn đến dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
Do đó, Bộ Nông nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định số 02/2017 để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh DTLCP và trâu, bò phải tiêu hủy do mắc bệnh viêm da nổi cục trong năm 2021 và năm 2022 tại các địa phương.
Trước đó, ngày 08/6/2022, Bộ Nông nghiệp cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục. Ngày 25/7/2022, Bộ Tài chính có công phản hồi, trong đó thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.