Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, dự án đường sắt vào cảng Lạch Huyện có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa thuộc tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng.
Từ ga Dụ Nghĩa, tuyến đường sắt này vượt qua sông Lạch Tray xuống phía nam TP. Hải Phòng, tới bán đảo Đình Vũ; tiếp đó chạy song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu, rồi rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 32.600 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thu hồi vốn là 25 năm và hoàn trả vốn vay trong 30 năm.
Với dự án đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đây là dự án có chiều dài dài 84 km, khổ 1.435 mm, đi song song quốc lộ 51 qua khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai.
Vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 56.800 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay 30 năm.
Hai dự án này được Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần... Trong đó, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Bên cạnh dự án đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt còn đưa vào dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ để kết nối với đường sắt Lào (từ ga cảng Vũng Áng đến đèo Mụ Giạ trên biên giới Việt Nam - Lào thuộc tỉnh Quảng Bình) với chiều dài khoảng 103km. Tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 1, khổ 1.435mm; tốc độ thiết kế tối đa đạt 160km/h, điện khí hóa. Dự án đã hoàn thành nghiên cứu khả thi do Koica tài trợ với vốn đầu tư dự kiến là 1,6 tỷ USD.