Tranh cãi về thể chế chính quyền
Uỷ ban Pháp luật Quốc hội vừa có báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế)
Một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo lần này là các quy định về việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Theo Uỷ ban Pháp luật cho biết, vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đặc khu hiện còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, đối với hai phương án tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu kinh tế:
Phương án 1, không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND) mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị đặc khu kinh tế (Trưởng đặc khu) do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và phương án 2, tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế gồm có HĐND và UBND.
Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến tán thành với phương án 1, một số ý kiến tán thành với phương án 2 và một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án.
Về phương án 1, theo Uỷ ban Pháp luật, phương án này có ưu điểm là bảo đảm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt, điều hành nhanh nhạy; xác định rõ và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, khắc phục được tình trạng “núp bóng” tập thể để né tránh trách nhiệm.
Đồng thời, có tính đột phá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng các đặc khu kinh tế với “thể chế vượt trội”, nhằm “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật và một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính hợp hiến của phương án này.
Loại ý kiến thứ hai, cho rằng phương án 1 không trái quy định của Hiến pháp vì Chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ "mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết. Quốc hội có thể sửa đổi quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tổ chứcchính quyền địa phương ở đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo chủ trương của Đảng
Để khắc phục hạn chế của phương án 1, Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc quy định bổ sung thiết chế Hội đồng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đặt bên cạnh Trưởng đặc khu.
Theo đó, Hội đồng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là cơ quan hành chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập ở từng đơn vị đặc khu, hoạt động thường xuyên, có thành phần bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện nhà đầu tư chiến lược, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và thành viên khác.
Hội đồng thực hiện ba nhóm nhiệm vụ chính là tư vấn, phản biện về một số vấn đề quan trọng trước khi Trưởng đặc khu, cảnh báo về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động, đánh giá về công tác quản lý, điều hành của Trưởng đặc khu đặc biệt để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về phương án 2, chính quyền đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia và Thường trực Uỷ ban Pháp luật không tán thành vì cho rằng phương án này chưa thực sự đổi mới, cải cách, chưa mang tính đột phá về thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị.
Đề xuất tổ chức bộ máy chính quyền đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và qua thảo luận, phân tích các ưu điểm, hạn chế của hai phương án do Chính phủ trình, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề xuất thiết kế phương án 3 về tổ chức bộ máy chính quyền đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đã nêu trong phần đầu của Báo cáo này.
Theo phương án 3, chính quyền địa phương ở đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu.
Hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được tập trung cho Chủ tịch Uỷ ban đặc khu để tăng tính chủ động, linh hoạt (tương tự các nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo Phương án 1 do Chính phủ trình);
Thực chất đây là phương án kết hợp nhiều ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và được hoàn thiện thêm để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vừa thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân.
Đồng thời có nhiều đổi mới mạnh mẽ phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt,
Theo Uỷ ban Pháp luật, qua biểu quyết có 3/12 thành viên tán thành phương án 1; không có thành viên nào tán thành phương án 2; có 9/12 thành viên tán thành phương án 3.
Uỷ ban Pháp luật đã trình vấn đề này lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đồng thời, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo The Leader