Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhằm thông qua báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, mục tiêu kinh doanh năm 2019, tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu…
Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2018, lãnh đạo TPBank cho biết, tổng tài sản đạt gần 136.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2017. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, sau khi nộp thuế, trích lập các quỹ và trả cổ tức ưu đãi, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn hơn 1.500 tỷ. TPBank trình cổ đông phương án không chia cổ tức và dùng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019.
Bên cạnh đó, TPBank dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng/cp, thị giá cổ phiếu hiện hành sẽ có lợi nhuận thặng dư, tùy thuộc vào khả năng đàm phán với các nhà đầu tư, nhưng sẽ đảm bảo mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, thông tin về việc phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế và niêm yết trên sàn tại Singapore, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho hay, đây là loại hình trái phiếu thường, không chuyển đổi. Nhưng lãi suất và kỳ hạn như thế nào thì vẫn đang trong giai đoạn đàm phán.
Theo đó, TPBank dự kiến sẽ dùng khoản lợi nhuận này để mua lại công ty tài chính, thành lập một số công ty mới. Sau khi sử dụng thì phần còn lại dự kiến sẽ chia cho các cổ đông bằng cổ phiếu, không chia bằng tiền.
Cụ thể, TPBank dự kiến, mua toàn bộ 100% vốn của các cổ đông một công ty tài chính để trở thành công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
"Khi được hỏi về danh tính công ty tài chính dự kiến mua, ông Đỗ Minh Phú từ chối tiết lộ nhưng lãnh đạo ngân hàng này cho biết thương vụ "đang trong quá trình đàm phán". TPBank có thể thực hiện thương vụ ngay năm nay, sau khi các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Nhiều chuyên gia từng nhận định, cho vay tiêu dùng phát triển rất nhanh thời gian qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Từ năm ngoái đến nay, thị trường này liên tục đón các tân binh. Không chỉ TPBank, nhiều nhà băng khác như Vietcombank, ACB, OCB... cũng mong muốn gia nhập thị trường còn nhiều dư địa này.
Ngoài ra, TPBank cũng đề nghị cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011, TPBank từng đề nghị nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước xem xét, do hoạt động còn nhỏ và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Trong năm 2019, tổng tài sản của TPBank dự kién tăng hơn 16% lên 158.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 20% lên 142.309 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng hơn 21%, lên mức hơn 95.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế tăng 42%, lên 3.200 tỷ đồng.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2019, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.886 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Như vậy, tổng dư nợ của TPBank đã tăng 11,2%, gần chạm mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong khi TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 20%. Tổng giám đóc Nguyễn Hưng trả lời cổ đông rằng, ngân hàng hiện chưa xin được nới room tín dụng nhưng tin rằng sẽ được nhà điều hành chấp thuận.
Ông lý giải, TPBank thuộc nhóm các đơn vị sớm hoàn thành Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng nên sẽ được ưu tiên. "Mức 20% ở trong tầm tay, còn cao hơn nữa thì phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép", ông Hưng nói.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng huy động của TPBank đạt trên 125.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ; tổng dư nợ đã tăng 16,3% so với cùng kỳ 2018.
>> TPBank dành 1.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp