Sáng ngày 10/8, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (ĐHĐCĐ) với số cổ đông tham dự đạt 95,04% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Điểm qua kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh cho biết, năm 2020, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, hãng hàng không quốc gia đạt 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và hoàn thành 61% kế hoạch năm, lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh dựa trên ước tính Tổng công ty sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn.
Để giảm bớt gánh nặng vốn lưu động, phần lợi nhuận của năm 2019 Vietnam Airlines không trích quỹ đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức để đảm bảo dòng tiền và cân đối tình hình kinh doanh.
“Bước sang năm 2020, đặc biệt là khủng hoảng lớn nhất từng có trong lịch sử mang tên Covid-19, Vietnam Airlines vẫn coi đây là thách thức để chúng tôi vượt qua và đang nỗ lực tìm ra những cơ hội, hướng đi mới”, Chủ tịch Phạm Ngọc Minh chia sẻ.
Bổ sung thêm ý kiến của Chủ tịch HĐQT, ông Dương Trí Thành cho biết, trước dịch bệnh Vietnam Airlines đạt được nhiều thành tựu với lợi nhuận tăng trưởng hàng năm nhưng Covid - 19 bùng phát khiến ngành hàng không “lao đao”. Thực tế, hãng nào càng lớn, chi phí cố định nhiều thì con số tổn hại sẽ lớn hơn.
Trên thị trường quốc tế, IATA dự kiến đến tháng 7/2024 mới phục hồi, tức là kéo dài thêm 1 năm so với trước, Vietnam Airlines dự báo sang đầu năm 2022 có khả năng phục hồi được nhưng thời điểm này rất thận trọng và đẩy lùi ra xa hơn.
Trước lo ngại của cổ đông về việc đến tháng 8 là Vietnam Airlines sẽ cạn tiền nếu không được sự hỗ trợ từ Chính phủ, ông Dương Trí Thành tiết lộ, việc tăng vốn cho Vietnam Airlines đang được triển khai gấp rút và sắp có quyết định cuối cùng, "chủ sở hữu sẽ có biện pháp tăng vốn cho vay để Vietnam Airlines phát triển".
“Khó khăn chưa bao giờ lớn như vậy, Vietnam Airlines xác định bây giờ phải cập nhật tình hình hàng ngày và ngày mai như thế nào phải chờ 18h về các ca nhiễm và quyết định của Chính quyền địa phương, các chuyến bay giải cứu tại Hoa Kỳ hay Canada phải chờ quyết định của chính quyền nước sở tại…Với quan hệ đối tác với ANA, quy mô của họ về con số tài chính khó khăn gấp 10-20 lần Vietnam Airlines, nhưng vẫn đang đồng hành và họ đã vay được 10 tỷ USD”, ông Thành chia sẻ.
Bổ sung thêm ý kiến của Tổng giám đốc Dương Trí Thành, Chủ tịch Dương Ngọc Minh cho biết, với tình hình như hiện nay, các nước tung ra gói giải cứu cho các hãng hàng không, cho đến thời điểm này những báo cáo chi tiết của Vietnam Airlines lên các cấp có thẩm quyền được phản ánh tích cực, Chính phủ yêu cầu công ty hoàn tất thủ tục để trình các cấp cao hơn, cụ thể cho vay 4.000 tỷ và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ. Tương lai ngành hàng không vô cùng bất định, chúng tôi luôn ở tình thế chủ động, cập nhật tình hình để xây phương án ít xấu nhất để ứng xử và cho các giải pháp phục hồi.