Bỏ độc quyền vàng miếng SJC có thực sự giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?

Bổ sung nguồn cung là cách duy nhất để kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên, nhập khẩu vàng vật chất hay xóa bỏ quy định độc quyền vàng miếng SJC vẫn là bài toàn hóc búa đối với các nhà điều hành chính sách...

2024-cua-vang-phu-nhuan-pnj-van-cao-thu-4-trong-lich-su-65d621a8ec6f3-4564.jpg

Thời gian qua, giới đầu tư “đứng ngồi không yên” trước tình trạng biên độ giá vàng miếng trong nước và thế giới chênh lệch nhau quá lớn, lên đến 15 – 20 triệu đồng/lượng. Điều này cũng tạo ra áp lực vô cùng lớn đối với các cơ quan làm chính sách và điều hành thị trường vàng.

Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, sự chênh lệch lớn về giá vàng miếng xuất phát từ nguyên nhân là quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng mang thương hiệu quốc gia – SJC trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Do đó, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế.

TRÁI CHIỀU Ý KIẾN XÓA BỎ ĐỘC QUYỀN VÀNG MIẾNG

Ngày 20/3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng. Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng (SJC), cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Trên thực tế, tại thời điểm 12 năm trước, khi Nghị định 24 chưa ra đời, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tương đối cao mặc dù khi ấy thị trường vàng miếng Việt Nam tồn tại nhiều thương hiệu vàng miếng, cũng rất nhiều đơn vị được nhập khẩu vàng như các công ty kinh doanh vàng, các ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, mỗi thương hiệu vàng miếng lại sở hữu mức giá khác nhau và chênh lệch giá vàng mua ra - bán vào cũng không đồng nhất.

Song cũng phải nhấn mạnh lại, sự chênh lệch giá vàng miếng thời điểm này nguyên nhân chính không phải là do tồn tại nhiều thương hiệu vàng mà là do chính sách hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu đã hạn chế nguồn cung vàng cho thị trường, đặc biệt là khi tình trạng tỷ giá có sự biến động theo hướng đồng VND mất giá mạnh so với đồng USD dẫn đến Ngân hàng Nhà nước hạn chế nhập khẩu vàng để không gây áp lực lên đồng VND.

Những diễn biến thực tế của thị trường trước khi Nghị định 24 ra đời có thể khẳng định rằng, chênh lệch giá vàng không nằm ở nguyên nhân Nhà nước có độc quyền sản xuất vàng miếng hay không mà nằm ở nguồn cung vàng có được đảm bảo, mà nguồn cung này phụ thuộc vào chính sách hạn ngạch nhập khẩu vốn được quyết định bởi vấn đề tỷ giá và dự trữ ngoại tệ.

Quay trở lại với thời điểm hiện tại, cũng có rất nhiều giả thiết đưa ra rằng, nếu trong thời gian tới quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng được xóa bỏ thì thị trường vàng sẽ lại đối mặt với nhiều bài toán hóc búa khác.

Thí dụ như, có nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng miếng và tự độc quyền thương hiệu thì giá vàng mua - bán sẽ không quy về một mối, mỗi doanh nghiệp gia công và kinh doanh vàng miếng sẽ niêm yết một giá khác nhau. Từ đó dẫn đến sự hỗn loạn về giá trên thị trường vàng, lúc này người được hưởng lợi chỉ có duy nhất doanh nghiệp sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng; còn người chịu thiệt không ai khác ngoài người dân và nhà đầu tư.

Một giả thiết khác đặt ra, nếu như Nhà nước vẫn độc quyền thương hiệu và giao quyền cho nhiều doanh nghiệp gia công vàng miếng khác nhau, rất có thể xuất hiện tình trạng xin – cho và có thể dẫn đến tiêu cực trong cấp phép kinh doanh.

Trao đổi với báo chí, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm, để bình ổn giá vàng trong nước, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố.

“Có ý kiến cho rằng phải tăng cường nhập khẩu vàng hay ủy thác cho một số đơn vị nhập khẩu... như thế là nguy hiểm. Bởi, nếu cứ như vậy sẽ tạo điều kiện cung ứng vàng vật chất, trong khi xu thế thế giới ngoài vàng vật chất còn phải vàng tài khoản nữa.

Nếu nhập vàng, Nhà nước phải bỏ ngoại tệ ra; càng tăng cung vàng vật chất thì càng “vàng hóa” cao. Vì thế, cùng một lúc phải đồng bộ các giải pháp. Sửa đổi nghị định thì không được thay quá 20%, vì thế phải thay thế Nghị định 24”, ông Long kiến nghị.

GIẢI PHÁP HẠ NHIỆT THỊ TRƯỜNG VÀNG

Theo nhiều chuyên gia, để bình ổn giá vàng, trước mắt cần phải thỏa mãn song song 2 điều kiện là phá bỏ độc quyền vàng miếng đi đôi với việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại, vì nhu cầu vàng trong nước tăng cao trong khi nguồn cung trong nước không nhiều nên không nhập khẩu vàng thì cũng sẽ khó có nguồn để sản xuất vàng miếng, và các doanh nghiệp vàng vẫn sẽ ưu tiên sản xuất vàng trang sức có lợi nhuận cao hơn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần cho phép tăng lượng cung của vàng, phù hợp với nhu cầu của người dân, bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng.

Theo ông Lực, khi tăng cung sẽ cân bằng hơn quan hệ giữa cung - cầu; giúp giá vàng giảm xuống, giá sẽ được điều tiết, sát hơn so với giá thế giới. Từ đó, hiện tượng nhập lậu vàng giảm bớt, góp phần thu hút lượng ngoại tệ trong dân, doanh nghiệp. Thậm chí, có thể tăng dự trữ ngoại hối thông qua cách làm đó.

Ngoài ra, cũng có một số chuyên gia đề cập thêm một giải pháp khác đó là thành lập sàn giao dịch vàng như công cụ điều hòa cung - cầu vàng. Giải pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

Theo chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.

Các chuyên gia đề xuất sàn giao dịch vàng có thể phát triển theo từng giai đoạn. Ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên sàn.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, người Việt thường có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai nên có tâm lý tích trữ cao. Do vậy, việc người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng, không chỉ để “trang sức” mà thực sự là tích trữ, có tài sản phòng thân. Đó là yêu cầu chính đáng.

“Nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều, đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý người dân có lúc lo sợ, lại lao đi mua vàng và giá vàng lại bị đẩy giá lên. Chúng ta phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh, không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra nguồn cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá tăng phi lý. Nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, người dân mua về cất tủ, két ở nhà, chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề”, GS.TS Hoàng Văn Cường băn khoăn.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Người dân không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không?… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

“Chúng ta điều hành về mặt Nhà nước, quản lý thị trường, chúng ta bảo đảm quản lý được ngoại tệ. Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt”, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

Như vậy, có thể thấy rằng thị trường vàng miếng có bình ổn hay không phụ thuộc vào ưu tiên chính sách của Chính phủ. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, chưa có một phương án chính thức nào được “chốt”, tuy nhiên giới phân tích vẫn bày tỏ sự lạc quan – vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn. Niềm tin này được gây dựng trên cơ sở thị trường vàng trong thời gian qua vẫn giữ ở mức an toàn, vĩ mô vẫn được ổn định dẫu giá vàng liên tục lập đỉnh và chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới tăng cao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...