Điểm danh những doanh nghiệp báo lỗ lớn trong quý 1/2025

Trong quý 1/2025, hiệu quả kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện, trong khi gánh nặng chi phí và áp lực tài chính tiếp tục là rào cản lớn trên hành trình phục hồi của họ...

Điểm danh những doanh nghiệp báo lỗ lớn trong quý 1/2025

Trong khi nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực đầu năm 2025, vẫn có không ít cái tên đang loay hoay trong vùng xoáy thua lỗ. Dù doanh thu có tăng trưởng hoặc chi phí đã được tiết giảm, lợi nhuận âm vẫn là điểm chung đáng lo ngại.

Những con số biết nói từ loạt doanh nghiệp như Masan High-Tech Materials, PAP, Novaland, HAGL Agrico hay Vosco cho thấy, phía sau bức tranh tài chính quý 1 là những “vết lặng” của áp lực nợ vay, chi phí khấu hao và hoạt động kinh doanh kém hiệu quả – báo hiệu một chặng đường phục hồi còn nhiều chông gai phía trước.

Đáng chú ý nhất trong nhóm thua lỗ là Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.778 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh tài chính lại không tích cực tương xứng khi doanh thu tài chính giảm 19%, chỉ còn 516 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận khác chuyển từ dương 107 tỷ đồng cùng kỳ sang âm 262 tỷ đồng. Hệ quả, Novaland lỗ sau thuế 476 tỷ đồng trong quý I/2025 – thấp hơn mức lỗ 600 tỷ đồng cùng kỳ, song vẫn là con số đáng chú ý.

Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, sự cải thiện trong mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ đã giúp tăng lợi nhuận tới 456 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần này không đủ bù đắp cho sự sụt giảm từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác, khiến tổng lỗ ròng vẫn cao.

Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của Novaland gần như đi ngang, đạt hơn 234.806 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả giảm nhẹ hơn 2%, xuống còn gần 185.951 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ ngắn hạn và dài hạn đều ghi nhận mức giảm lần lượt là 13% và 10%.

Một điểm tích cực là lượng tiền và tương đương tiền ngắn hạn tăng tới 32%, đạt 6.126 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho tiếp tục neo ở mức cao chiếm tới 63,3% tổng tài sản, tương đương 148.639 tỷ đồng, cho thấy áp lực từ lượng bất động sản chưa tiêu thụ.

Đứng thứ 2 trong danh sách này là 1 cái tên khá bất ngờ Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT - mã chứng khoán: MSR), là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Masan. Trong ba tháng đầu năm 2025, MHT chỉ đạt 1.393 tỷ đồng doanh thu thuần, sụt giảm tới 55% so với mức 3.089 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh 61% và chi phí tài chính hạ 34,9%, chủ yếu nhờ lãi vay giảm gần 30% nhưng các nỗ lực tiết giảm đó vẫn chưa đủ để kéo doanh nghiệp thoát khỏi vùng lỗ.

Kết quả là, MHT ghi nhận khoản lỗ sau thuế 222 tỷ đồng trong quý này. Mặc dù mức lỗ đã giảm đáng kể so với con số âm 718 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tình hình vẫn chưa thực sự sáng sủa.

Theo giải trình của công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận tiếp tục âm là do gánh nặng từ chi phí khấu hao không bằng tiền và chi phí lãi vay lớn. Nhằm ứng phó với tình trạng này, MHT cho biết đang xây dựng chiến lược tái cơ cấu tài chính, giảm tỷ trọng nợ vay, từ đó hạ chi phí lãi vay và nâng cao hiệu quả sinh lời.

Nếu như MHT đang tìm hướng ra từ "vũng lầy" tài chính thì một doanh nghiệp khác lại mới bắt đầu cảm nhận sức nặng từ hoạt động kém hiệu quả. Đó là Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán: PAP).

Trong quý 1/2025, PAP lần đầu tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 13,6 tỷ đồng, đây là điều đang mừng cho doanh nghiệp này nếu so với việc hoàn toàn không có doanh thu cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ẩn sau con số tích cực đó lại là một thực tế đáng lo ngại, công ty vẫn báo lỗ tới 122,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 1,5 tỷ.

Lý do là hoạt động kinh doanh của PAP chưa thể tạo ra lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp âm tới 53,1 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính của công ty lên tới 62,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tiêu tốn thêm 9,3 tỷ đồng, tất cả đã kéo lợi nhuận rơi sâu xuống vùng âm.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của PAP vẫn tăng 7,8% so với đầu năm, lên mức 7.677 tỷ đồng. Tuy nhiên, bức tranh tài chính bên trong lại cho thấy sự mất cân đối ngày càng lớn khi nợ phải trả tăng mạnh 14,5% lên 5.344 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu lại giảm nhẹ, chỉ còn 2.333 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2025-05-06-luc-134150.png

Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp thua lỗ, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) báo lỗ ròng 84,5 tỷ đồng trong quý 1/2025, đánh dấu quý thứ 16 liên tiếp doanh nghiệp không có lãi kể từ đầu năm 2021.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ của doanh nghiệp này chỉ đạt 99 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chủ yếu đến từ mảng trái cây (67 tỷ đồng, tăng 62%) và mủ cao su (31 tỷ đồng, tăng 20%). Tuy nhiên, các hoạt động khác như bán vật tư nông nghiệp gần như không còn đóng góp.

Theo giải trình của HAGL Agrico, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ là do chi phí khấu hao từ các vườn cây không còn khả năng khai thác và tài sản không hiệu quả lên đến 21,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh lên 99 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay trước đây liên quan đến dự án trồng cao su và cọ dầu.

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của HAGL Agrico ở mức 17.395 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay lên đến 10.129 tỷ đồng, trong đó chỉ 885 tỷ đồng là vay ngân hàng, phần còn lại chủ yếu là nợ từ công ty mẹ Thaco Agri.

Đứng sau Novaland và HAGL Agrico về mức lỗ là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco – mã chứng khoán: VOS), khi công ty này ghi nhận khoản lỗ sau thuế 53,8 tỷ đồng trong quý 1/2025, trái ngược hoàn toàn với con số lãi 74,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ sự sụt giảm mạnh về doanh thu và chi phí tài chính tăng vọt.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 462 tỷ đồng, giảm tới 58% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán lên tới 497 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp âm 34,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần 5 lần, từ 1,3 tỷ đồng lên 6,3 tỷ đồng, gây thêm áp lực lên kết quả kinh doanh.

Mặc dù ,Vosco đã nỗ lực cắt giảm chi phí bán hàng (giảm 18,7%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 34%), nhưng chừng đó là chưa đủ để bù đắp cho sự suy giảm nghiêm trọng về doanh thu và gánh nặng chi phí lãi vay.

Dù kết quả kinh doanh khá u ám, tổng tài sản của Vosco vẫn tăng 6,3% so với đầu năm, đạt 3.073 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền ở mức khá cao 1.186 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp duy trì được khả năng thanh khoản ngắn hạn. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả tăng mạnh 26%, lên 1.138 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu gia tăng nhanh chóng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

 Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Giữa những thách thức của nền kinh tế, các "ông lớn" như Vingroup, Techcombank, Tập đoàn Hoa Sen vẫn đang âm thầm tìm kiếm cơ hội tái cấu trúc và mở rộng hoạt động kinh doanh. Một trong những chiến lược họ nhắm tới chính là IPO các công ty con...

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Trong bối cảnh thị trường truyền thông và giải trí cạnh tranh khốc liệt, Yeah1 ghi dấu ấn bằng kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm 2025. Doanh nghiệp này còn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại khi một quỹ lớn đến từ Phần Lan chính thức trở thành cổ đông lớn...

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

Sau một năm 2024 đầy biến động, hệ sinh thái Vingroup bước sang năm 2025 với khí thế bứt phá ngoạn mục, thể hiện rõ qua loạt báo cáo tài chính quý 1 từ các "trụ cột" trong tập đoàn (bất động sản, sản xuất đến bán lẻ0 đồng loạt ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng...

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với cuộc đua margin sôi động chưa từng có, khi hàng loạt công ty chứng khoán như VPS, Kafi, SSI, VCBS và VPBankS liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về tăng trưởng dư nợ...

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 đã có một phiên giao dịch đầy biến động do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi loạt thông tin quan trọng về dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận từ một số tập đoàn lớn nhất nước Mỹ…