Theo đó, những kết luận, quyết định của hai cơ quan này được ban hành dựa trên những cơ sở thiếu thực tế, làm phương hại tới quyền lợi của DN.
Đơn của Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika nêu, ngày 9/3/2018, UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 5.048 m2 đất tại lô CN1 Khu đô thị mới Trung Yên, quận Cầu Giấy hiện do công ty quản lý.
Lý do thu hồi tại quyết định của thành phố Hà Nội cho rằng do công ty chậm triển khai thực hiện dự án và thực hiện thu hồi đất theo Kết luận Thanh tra số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 27/11/2017 của UBND Thành phố.
Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika, đoàn Thanh tra Chính phủ đã không có bất cứ thông báo nào về kế hoạch thanh tra tới DN. Đơn của Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika nêu: đoàn thanh tra đã “đã không hề thông báo việc thanh tra này cho chủ đầu tư… được biết, chính vì thế đoàn thanh tra cũng không tiếp cận được toàn bộ hồ sơ của dự án do Công ty… quản lý”.
Chứng minh cho việc Thanh tra Chính phủ không gặp chủ đầu tư mà vẫn ra được Kết luận Thanh tra số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017, Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika dẫn một nội dung trong Kết luận Thanh tra này nêu: “… kiểm tra thực tế tại hiện trường ô đất vẫn chưa sử dụng. Tổng Công ty UDIC chưa cung cấp biên bản bàn giao đất ngoài thực địa, chủ đầu tư chưa cung cấp tài liệu chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính. Vi phạm Điều 75 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ về quy hoạch chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Điều 10 và Khoản 5, Điều 13 Luật Thanh tra”.
"Theo Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika, “đây là một kết luận hoàn toàn sai của đoàn thanh tra, vì thực tế hồ sơ mốc giới đã được Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa, UBND phường Trung Hòa và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) bàn giao cho chúng tôi vào ngày 27/5/2008 (Có hồ sơ kèm theo)”.
Theo ông Trần Thọ Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hữu nghị Fortika: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý thiếu đồng bộ, nhưng chúng tôi đã hết sức thúc đẩy tiến độ dự án như đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, xin phép xây dựng phần xử lý nền móng, thi công cọc khoan nhồi và được Sở Xây dựng Hà Nội cho phép đồng ý tại văn bản số 2781/SXD-QLCL ngày 26/4/2010 và DN đã nghiêm túc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng toàn bộ cọc nhồi đại trà, cơ bản đúng theo giấy phép xây dựng với tổng giá trị đã chi phí khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì sự chậm trễ của các cơ quan chức năng mà chúng tôi không thể hoàn thành các thủ tục để tiếp tục triển khai dự án. Việc này cũng cho thấy kết luận của Thanh tra Chính phủ rằng “ô đất vẫn chưa được sử dụng” là hoàn toàn không đúng".
Đồng thời, về nội dung chủ đầu tư chưa cung cấp tài liệu chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính, Công ty cổ phần Hữu Nghị Fortika khẳng định do thanh tra không tiếp xúc và làm việc nên chủ đầu tư không thể cung cấp hồ sơ. Trên thực tế việc tài chính của dự án đã hoàn thành 100% theo quy định.
Theo đó, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp kinh phí đóng góp hạ tầng từ năm 2007. Đồng thời, công ty đã hoàn thành nộp tiền thuê đất, thuế đất cho dự án suốt thời gian sử dụng và cho đến hết năm 2017, có xác nhận của cơ quan thuế.
Trao đổi với Thương Gia, ông Trần Thọ Hiển, Chủ tịch HĐQT của Công ty Fortika dẫn Luật Thanh tra tại Điều 39 khi công khai kết luận thanh tra thì phải thực hiện theo điểm a, Mục 2 “hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm: công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo”. “Trong trường hợp này chúng tôi là tổ chức liên quan trực tiếp và là chủ đầu tư dự án mà không hề được thông báo, làm việc, giải trình trong suốt quá trình thanh tra, dự thảo và công bố kết luận thanh tra”, ông Hiển nhấn mạnh.
Thế nhưng, chính vì cách làm việc ấy của cơ quan thanh tra, đã dẫn tới những kết luận thiếu cơ sở, không chính xác. Để rồi, từ kết luận ấy, các cơ quan chức năng chưa hề kiểm tra, xem xét đã đưa ra quyết định thu hồi đất của DN vì… chậm triển khai. Điều đáng nói là nguyên nhân của việc chậm triển khai dự án ấy lại bắt nguồn từ chính các cơ quan chức năng của Hà Nội.
Đón xem kỳ 2: Hơn 10 năm dự án không thể triển khai – vì ai?