Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37, 9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo khu vực kinh tế, trong 2 tháng đầu năm 2023 có 198 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước; 4.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,2%; 14.800 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 0,3%.
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 550 đơn vị, giảm 62,4% và đây là mức giảm sâu nhất. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể là 235 đơn vị, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.660 doanh nghiệp, tăng 57%. Như vậy tổng cộng có gần 1.895 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã rút lui khỏi thị trường.
Mặc dù vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm nay vẫn rót thêm 154,3 triệu USD vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực này đạt 331,5 triệu USD, chiếm 41,6% giá trị góp vốn.
Như vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rời thị trường vì tình hình chung toàn ngành khá khó khăn.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về mặt pháp lý. Ông Châu nhận định, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thì ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi.
"Các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) hiện nay còn bề bộn, nhiều vấn đề cần được tiếp tục góp ý. Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất", ông Châu đề xuất.
Theo Chủ tịch HOREA, tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản là vấn đề cần được quan tâm. Ông Châu đề xuất gia hạn trong phạm vi từ 12-24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 - nợ xấu không thu hồi được. Ngoài 2 vướng mắc lớn trên, cần giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; ổn định tâm lý thị trường; xử lý các dự án đang bị vướng mắc…
"Các doanh nghiệp bất động sản cần phải đồng hành, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc. Ngoài ra, phải có trách nhiệm tái cấu trúc lại chính doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm để chuyển hướng sang sản phẩm nhà ở hợp túi tiền. Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản phải hưởng ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ phát động và giảm giá nhà về thực chất", ông Châu nói.