Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa phải khẩn trương đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1768 về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sau đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01/11/2016.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ về tính hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 51 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Cụ thể, đến ngày 28/09/2016, cả nước đã cổ phần hóa 48 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam và một
số địa phương. Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp: giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, 9 tháng đầu năm nay, cả nước có Bộ Xây dựng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 2.809,3 tỷ đồng, thu về 4.993,1 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 10 và Quý IV/2016, sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành đúng tiến độ các cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo Nghị định, Quyết định về Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo đó, dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó sẽ có 30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc nhiều lĩnh vực đang thuộc sở hữu của nhiều Bộ ngành hiện nay sẽ được chuyển về Ủy ban này quản lý.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, theo tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mới đây là phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo hướng thu gọn lại số lượng còn khoảng 200 doanh nghiệp nhà nước.
Theo VGP NEWS