Đây là lý do mà rất nhiều tập đoàn bao bì quốc tế lớn đã đến Việt Nam tham dự Triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam (ProPak Vietnam 2024) để quảng bá, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.
Theo thông tin của ban tổ chức, Triển lãm ProPak Vietnam 2024 diễn ra từ 3 đến 5/4/2024 tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 310 đơn vị trưng bày đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
ProPak Vietnam 2024 là hoạt động thương mại quốc tế dành riêng cho ngành công nghiệp xử lý, chế biến và đóng gói bao bì đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Sự kiện quy tụ hàng trăm nhà cung cấp nguyên vật liệu và công nghệ hàng đầu thế giới phục vụ cho ngành chế biến, đóng gói thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, in ấn, mã hoá, đánh dấu và ghi nhãn, hoạt động phòng thí nghiệm, kiểm tra và chuỗi cung ứng lạnh, logistics, lưu kho, cùng nhiều dịch vụ khác.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực bao bì như: Heat & Control, Mahatanee Industrial, Beijing Hanlin Hangyu International Trading, Albert Handmann Armaturenfabrik Gmbh & Co.KG, LAMIPAK, Tofflon Science and Technology Group, Guangzhou Tech - Long Packaging Machinery, Wipotec Gmbh… đã không bỏ lỡ cơ hội tham gia ProPak Vietnam 2024 để tiến hành các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm cơ hội tại thị trường bao bì Việt Nam.
Số liệu do tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc công bố cho thấy, quy mô thị trường bao bì giấy Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 9,73% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Quy mô thị trường bao bì hộp kim loại Việt Nam cũng ước đạt 2,11 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,45 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,07% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Bà Chu Thị Vân Anh, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho hay, ví ngành bao bì như một cánh tay nối dài, hỗ trợ và đồng hành rất hiệu quả cho ngành đồ uống.
Theo đánh giá của bà Vân Anh, dù chịu ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp bao bì vẫn vươn lên mạnh mẽ và đang có sự chuyển mình hướng đến phát triển xanh, sản xuất xanh và bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ngành này cũng chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cả chất và lượng, dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài và bền vững đến thói quen sử dụng bao bì của người tiêu dùng.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng bao bì cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới và điều chỉnh chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Ông Ben Wong, Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam, cũng cho rằng: Sự bùng nổ của đô thị hóa, chủ nghĩa tiêu dùng, nhu cầu thương mại sôi động và các dịch vụ giao hàng qua ứng dụng là 4 nhân tố chính đang thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng bao bì.
Nhu cầu này đòi hỏi các giải pháp bao bì phải đáp ứng nhiều chức năng như vận chuyển và lưu trữ sản phẩm hiệu quả, kéo dài thời hạn sử dụng, đảm bảo an toàn, đồng thời chuyển đổi sang vật liệu thân thiện với môi trường, thiết kế thuận lợi cho tái chế…
Bên cạnh đó, theo ông Jeffrey Au, Giám đốc kinh doanh Công ty Informa Markets Asia, từ khi chiến dịch “Race to Net Zero” - giảm phát thải ròng bằng 0 xuyên suốt đến năm 2050 được Chính phủ Việt Nam phát động, khái niệm kinh tế tuần hoàn và những yêu cầu về tính bền vững ngày càng có ảnh hưởng đến thiết kế bao bì.
Điển hình, lĩnh vực bao bì khả năng tái chế cao đang dần trở nên quan trọng của quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống và đây cũng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành bao bì giấy Việt Nam.