Doanh nghiệp trong hệ sinh thái Ecoba Việt Nam nợ bảo hiểm gần 800 triệu đồng

Công ty TNHH Cơ điện Ecoba chậm đóng 791 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác...

Cơ điện Ecoba chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Trong danh sách này có tên của Công ty TNHH Cơ điện Ecoba – doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Ecoba Việt Nam. Cụ thể, Cơ điện Ecoba chậm đóng 791 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 3 tháng.

Công ty TNHH Cơ điện Ecoba là đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống cơ điện (MEP) cho các công trình xây dựng quy mô lớn như trung tâm thương mại, văn phòng cao tầng, khu công nghiệp, khách sạn và khu dân cư cao cấp.

Việc đơn vị này bị liệt vào danh sách chậm đóng bảo hiểm khiến nhiều người quan tâm bởi đây là một trong những doanh nghiệp trực thuộc hệ sinh thái Ecoba, được đánh giá cao về năng lực thi công và độ phủ trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Hệ sinh thái Ecoba do Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam làm hạt nhân trung tâm. Doanh nghiệp này thành lập từ tháng 2/2010 dưới tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Lideco 3, tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp số 3 trực thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco).

Tới tháng 3/2013, doanh nghiệp chính thức mang tên Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam sau khi công ty mẹ Lideco thoái toàn bộ vốn. Kể từ đó, Ecoba hoạt động độc lập cả về năng lực tài chính lẫn thương hiệu và dần khẳng định vị thế trong ngành xây dựng.

Theo xếp hạng của Vietnam Report, Ecoba Việt Nam có 6 năm liên tiếp nằm trong bảng xếp hạng top 10 nhà nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam.

Ecoba Việt Nam là nhà thầu cho nhiều dự án lớn như : Ecopark, Minh Khai City Plaza, Park Hill Premium – P12, Lotte Mall Hà Nội, Hinode City, Hoang Huy Commerce, An Lạc Green Symphony, Lumi Hanoi, The Wisteria - Hinode Royal Park...

Ngoài những dự án trên, những năm gần đây, doanh nghiệp này tiến tới các dự án thi công toàn diện. Điển hình là nhà máy công nghiệp Nitori và nhà máy công nghiệp LG.

Nhà máy Nitori Vietnam Wooden Furniture là dự án công nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản, có địa chỉ tại khu Công nghiệp Khu Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà máy được xây dựng trên khu đất rộng 12ha, trong đó xưởng chính có diện tích hai tầng lần lượt là 72000m2 và 40000m2; xưởng phụ 12000m2 cùng các công trình phụ trợ khác.

Còn dự án nhà máy công nghiệp LG cũng được triển khai trên quy mô lớn trong tháng 10/2024 với quản lý của LG Innotek. Đây một trong những nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng, gồm các hạng mục: nhà máy 15800m2; UT Building 3455m2; Nitrogen 220m2…

Quay trở lại với việc chậm đóng bảo hiểm, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác không chỉ ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm của người lao động, mà người lao động còn không được giải quyết kịp thời các chế độ như thai sản, ốm đau…

Tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng

Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm